Trước một số lo ngại của người dân về việc chợ phiên trâu bò Nghiên Loan, huyện Pác Nặm có thể khiến dịch viêm da nổi cục lây lan, lãnh đạo ngành Thú y tỉnh Bắc Kạn cũng như chính quyền địa phương cho biết sẽ có phương án tăng cường công tác phòng dịch thay vì đóng cửa nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của người dân.
Chợ trâu bò xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn
Chợ trâu bò xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đã hình thành từ hàng chục năm qua, định kỳ 5 ngày một phiên. Lượng trâu bò mỗi phiên thường có từ 400-500 con.
Những ngày qua, lượng gia súc có lúc lên 700-800 con mỗi phiên. Do diện tích chợ nhỏ hẹp, điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo và tình hình dịch viêm da nổi cục trên trâu bò tại các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng có diễn biến khá phức tạp đã gây ra không ít lo ngại cho người dân.
Trâu bò tại chợ này được người dân thu gom từ nhiều địa phương đến trao đổi, mua bán, sau đó vận chuyển đi nhiều tỉnh miền Bắc như Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương…
Hiện nay dịch viêm da nổi cục trên trâu bò đã xuất hiện tại 4 hộ chăn nuôi tại xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Trong khi đó tại tỉnh Cao Bằng, dịch đã xuất hiện tại 18 xã thuộc 6 huyện với khoảng 250 con bị mắc.
Thời điểm này, chợ trâu bò tại các địa phương như Bảo Lạc, Trà Lĩnh tỉnh Cao Bằng trong tình trạng không hoạt động thì chợ Nghiên Loan trở thành một trong những điểm mua bán trâu bò lớn nhất khu vực.
Chi cục Chăn nuôi thú y Bắc Kạn phối hợp chính quyền địa phương kiểm tra công tác phòng dịch tại chợ
Chi cục Chăn nuôi thú y Bắc Kạn đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra công tác phòng dịch tại chợ và đề xuất một số phương án nhằm đảm bảo chợ hoạt động bình thường. Trong đó có việc tăng thêm cán bộ làm công tác kiểm dịch, đặc biệt là sắp xếp, bố trí lại các khu vực mua bán cũng như siết chặt kiểm soát nguồn gốc gia súc.
Ông Ma Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết, hiện nay chưa phát hiện trâu bò bị bệnh viêm da nổi cục tại xã Nghiên Loan nên chưa dừng hoạt động mua bán, giao dịch trâu bò tại chợ.
"Chúng tôi cũng chỉ đạo các xã, Ban quản lý chợ tăng cường hơn công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin và theo dõi, giám sát chặt chẽ nguồn gốc trâu bò ra vào chợ. Đặc biệt chú trọng khâu kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chợ và những nơi lưu giữ vật nuôi xung quanh", ông Tuấn nói.