Bác Hồ với ngày tổng tuyển cử đầu tiên

NGÔ VƯƠNG ANH |

Viết về ý nghĩa của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết. Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”. Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về bầu cử cách đây hơn 70 năm vẫn mang nhiều ý nghĩa.

1 - Một ngày trước khi nhân dân Việt Nam lần đầu tiên tự tay cầm lá phiếu thực hiện quyền dân chủ “với chế độ phổ thông đầu phiếu” của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết những dòng tâm huyết và cảm động:

“Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ... Ngày mai, nhân dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước...”.

Người viết những dòng đó khi đất nước đang trong tình thế nguy nan, chính quyền mới của nhân dân đang phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, các thế lực phản động và xâm lược điên cuồng chống phá cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nền dân chủ cộng hòa non trẻ.

2 - Ngay sau khi giành được độc lập, giữa bộn bề công việc của chính quyền mới, một trong số những công việc cấp bách được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị khẩn trương tập trung thực hiện là tổ chức Tổng tuyển cử.

Trước những khó khăn chồng chất do thù trong, giặc ngoài gây ra, cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước đã được tiến hành chỉ hơn ba tháng sau ngày độc lập.

Đây là điều chưa quốc gia nào thực hiện được trong lịch sử thế giới hiện đại sau khi lật đổ ách thống trị thực dân, đưa nhân dân lên địa vị người chủ đất nước.

Thật sự tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của chính nghĩa, tin vào sự sáng suốt chính trị của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho toàn dân Việt Nam đã dám quyết định và tổ chức thành công một cuộc Tổng tuyển cử trong thời gian ngắn đến không tưởng.

Sự thành công đó cũng càng khẳng định mạnh mẽ thêm ý nguyện và ý chí của toàn dân Việt Nam, hồ hởi, tự tin với quyền dân chủ trực tiếp và mới mẻ mà mình mới được trao.

Trong những năm tháng vận mệnh dân tộc nguy nan, thành quả lớn nhất của cuộc Cách mạng Tháng Tám là chính quyền của nhân dân vẫn đứng vững giữa vòng vây kẻ thù.

Chính phủ Cụ Hồ được toàn dân bảo vệ vì đã hành động hợp với lòng dân.

Chính phủ đã trở thành công cụ mạnh mẽ và sắc bén đem lại nhiều phúc lợi cho số đông quần chúng.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn sau khi cách mạng thành công, nhân dân đã được hưởng những quyền lợi trước đó chưa bao giờ được hưởng về dân quyền, dân chủ, dân sinh, dân trí...

Đời sống nhân dân từng bước được ổn định, nạn đói bị đẩy lùi, phong trào “diệt giặc dốt” đạt kết quả to lớn với hơn 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ...

Chính quyền cách mạng được bảo vệ và củng cố ngày càng vững chắc còn là điều kiện bảo đảm để tập hợp và lãnh đạo toàn dân đoàn kết, bình tĩnh và không nao núng đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược đang đến gần do những toan tính của các thế lực thực dân hiếu chiến.

Đến nay những bài học này vẫn chưa hề “cũ”.

3 - Gần đến ngày bầu cử, nhân dân ngoại thành Hà Nội đã gửi một bản đề nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới.

Chúng tôi suy tôn và ủng hộ vĩnh viễn Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.

Không chỉ đồng bào Hà Nội, từ nhiều nơi trong cả nước, nhân dân cũng viết thư đề nghị Bác không cần ra ứng cử ở một tỉnh nào và đồng thanh nhất trí đề cử Người vào Quốc hội.

Trước tình cảm tin yêu của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một bức thư ngắn cảm tạ và đề nghị đồng bào để cho mình thực hiện quyền công dân như mọi người khác: “Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định.

Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới”.

Biểu hiện tiêu biểu và nổi bật của dân chủ chính là công bằng, bình đẳng.

Từ những ngày đầu của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên, hướng dẫn nhân dân hưởng dụng quyền dân chủ và cũng là người gương mẫu thực hiện đầu tiên.

Dù ở cương vị Chủ tịch Nước, được nhân dân tin yêu nhưng Người vẫn không (và không bao giờ) xác định một đặc quyền riêng cho mình

Thông điệp đó đã được Người nêu qua việc từ chối được đề cử trong lần bầu cử Quốc hội đầu tiên của nhân dân cả nước.

***

Ngày 22.5.2016, nhân dân Việt Nam sẽ bầu cử Quốc hội khóa XIV của mình, bằng lá phiếu của mình bầu ra “những người tài đức” để tiếp tục quyết tâm đưa đất nước hội nhập và phát triển.

“Sân chơi” đã mở rộng hơn với Cộng đồng ASEAN được chính thức hình thành từ ngày 31.12.2015, với Hiệp định TPP đã được ký...

Lần đầu tiên, dân tộc Việt Nam chính thức hội nhập hoàn toàn, bình đẳng với bầu bạn quốc tế. Vận hội lớn nhưng cản trở còn không ít.

Nhưng chúng ta tin vào sự sáng suốt của nhân dân. Sự sáng suốt của nhân dân bảo đảm cho tương lai phát triển của đất nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại