Chiều 22-10, bác sĩ Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn vị đã có báo về trường hợp tử vong tại xã Ia J lơi, huyện Ea Súp và khẳng định không phải do tiêm vắc-xin như thông tin dư luận.
Theo đó, ngày 16-10, anh H.Q.V. (SN 1988, là viên chức văn phòng UBND xã Ia J Lơi) thấy mệt nhiều, ăn uống ít. Khoảng 18 giờ ngày 17-10, anh V. đến Trạm Y tế xã Ia J Lơi khám, bệnh nhân khai ho nhiều, có ra ít máu, sốt. Bệnh nhân đề nghị truyền dịch nhưng Trạm Y tế không truyền, hướng dẫn uống bù nước và ăn nhẹ, theo dõi thấy không diễn biến gì thêm bệnh nhân xin về.
Ngày 18-10, anh V. đi khám ở phòng khám tư nhân được chẩn đoán theo dõi xuất huyết dạ dày, về nhà tự mua dịch truyền không rõ loại dịch truyền và số lượng dịch truyền.
Ngày 19-10, anh V. thấy mệt nhiều hơn, gia đình đưa lên Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên với tình trạng tỉnh táo, không có xuất huyết, đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn nhiều lần. Siêu âm có kết quả ứ dịch màng phổi. Bác sĩ chẩn đoán theo dõi viêm phổi, màng phổi, theo dõi lao phổi tái phát, trào ngược dạ dày thực quản và tổn thương thận cấp. Bệnh nhân có tiền sử điều trị bệnh lao 2 lần.
Trưa 20-10, bệnh diễn biến nặng, gia đình xin cho về nhà, rồi tử vong khoảng 17 giờ 30 cùng ngày.
Cũng theo Sở Y tế Đắk Lắk, ngày 21-10, khi thấy bệnh nặng, người nhà tự xem thông tin mạng xã hội và gọi điện về gia đình khả năng bệnh nhân có triệu chứng giống phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin Covid-19. Người nhà tiếp nhận và gọi Trạm Y tế xã báo bác sĩ bệnh viện cho về nghi do phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin Covid-19.
Theo cơ quan chức năng, bệnh nhân V. đã tiêm 2 mũi vắc-xin Astrazeneca, mũi 1 ngày 11-8, mũi 2 vào ngày 8-10. Do thông tin từ gia đình cung cấp sai nên đã gây xôn xao dư luận trong cộng đồng.
Kết quả xác minh diễn biến, chấn đoán và ý kiến của bác sĩ tại nơi bệnh nhân điều trị xác định thông tin người nhà đưa ra là không đúng. "Căn cứ vào diễn tiến bệnh của bệnh nhân thì kết luận ban đầu bệnh nhân tử vong do bệnh nặng, không liên quan gì đến việc tiêm vắc-xin" - báo cáo nêu.