Quảng Nam, Đà Nẵng lên tiếng
Ngày 27-4, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp (TP Hội An, Quảng Nam) đã bác bỏ thông tin cá nhiễm độc chết trôi dạt vào bờ biển đảo Cù Lao Chàm.
Trước đó, nhiều tin đồn xuất hiện trên các trang mạng cho rằng, ở đảo Cù Lao Chàm (cách TP Hội An 15km) xuất hiện hiện tượng cá chết trôi vào bờ hàng loạt. Các thông tin này khẳng định cá chết là do bị nhiễm độc.
“Đúng là có cá chết trôi dạt vào bờ vào ngày thứ 7 (23-4) vừa qua nhưng rất ít. Tuy nhiên, tôi khẳng định cá chết không phải do bị nhiễm độc như tin đồn.
Chúng tôi xác định số lượng cá này bị chết do một số đối tượng lén lút đánh bắt bằng cách nổ mìn ở các khu vực xung quanh khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.
Việc đánh bắt bằng nổ mìn là trái phép, chính quyền xã đang điều tra người đánh bắt bằng cách nay”, ông An nói.
Sáng nay 27-4, Chi cục Thủy sản TP Đà Nẵng cũng đã cử lực lượng đi kiểm tra các bãi biển sau khi có thông tin cá chết trôi dạt vào bờ nghi do nhiễm độc.
Ông Lưu Quang Khánh, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Đà Nẵng cho biết, những ngày qua một số bãi biển xuất hiện cá chết. Người dân vì lo lắng nên đã báo thông tin đến Chi cục Thủy sản đề nghị kiểm tra.
“Chúng tôi đã kiểm tra bờ biển từ Ngũ Hành Sơn đến Sơn Trà, biển khu vực quận Liên Chiểu và đúng là có cá chết.
Đây là những con cá có kích thước nhỏ, đã chết lâu ngày rồi. Chi cục xác định là cá bị thương do vướng lưới nên chết.
Đà Nẵng không có cá nhiễm độc chết.
Tình trạng cá chết dạt bờ này thì lúc nào cũng có, tuy nhiên do thông tin cá chết ở các tỉnh bắc Miền Trung nên khiến người dân đề phòng hơn.
Các bè nuôi cá, thủy hải sản ở biển Đà Nẵng cũng bình thường, không có hiện tượng bất thường nào cả”, ông Khánh khẳng định.
Cá chết dạt vào biển Đà Nẵng là chuyện bình thường
Chiều 27-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng đã có thông báo chính thức về những phản ánh của người dân trước thông tin cá chết trôi dạt vào vùng biển Đà Nẵng.
“Trong 5 ngày qua, cá chết trôi dạt vào Bãi Đa (bán đảo Sơn Trà, quận Sơn Trà) và dọc bờ biển Mỹ Khê. Các cán bộ của Sở đã đi kiểm tra, kiểm đếm và lấy mẫu cá chết.
Thống kê của Sở cho thấy có 17 con cá chết trôi dạt vào bờ trong tình trạng đã phân hủy mạnh”, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng nói.
Cá chết đã phân hủy trôi dạt vào bờ biển Đà Nẵng
Ông Ban cũng cho biết các lồng, bè nuôi cá của người dân Đà Nẵng trên biển vẫn hoạt động bình thường. Tôm cá, hải sản của người dân không bị chết hay có dấu hiệu bất thường.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng, hơn 1681 phương tiện hoạt động khai thác hải sản vẫn ra khơi đánh bắt.
Tuy nhiên, thông tin cá biển chết trôi dạt vào bờ biển các tỉnh Bắc miền Trung khiến người dân có tâm lý e ngại khi ăn cá biển. Sản lượng tiêu thụ cá biển và giá bán tại các chợ giảm mạnh.
“Giá cá tôm bán sô cho các nhà máy hiện giảm 10.000 – 15.000 đồng/kg so với trước đây. Các tàu đang gặp khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng sự cố ở các tỉnh bạn.
Sở đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để theo dõi diễn tiến vụ việc ở các địa phương để có hướng xử lý kịp thời”, ông Ban nói.
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Đà Nẵng, cho biết đã tiến hành lấy mẫu nước tại các bãi biển để tiến hành xét nghiệm.
Việc kiểm tra mẫu nước để đảm bảo an toàn cho du khách khi mùa cao điểm du lịch về biển đến gần.
Ông Điểu cũng cho biết kết quả xét nghiệm nước biển sẽ có trong vài ngày tới.
Theo các ngư dân ở Đà Nẵng, số cá bị chết trong tình trạng đã phân hủy trôi dạt vào bờ là bình thường.
Nguyên nhân có thể do trong quá trình khai thác số cá thể bị thương ngoài biển hoặc do các tàu cá thu hồi ngư cụ bị thất thoát dẫn đến một số loài cá bị chết, lâu ngày dạt vào bờ.
Trước đó, tình trạng cá biển chết hàng loạt từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên Huế khiến người dân Đà Nẵng vô cùng lo lắng. Đặc biệt, sau khi Thừa Thiên Huế công bố cá chết do nhiễm độc kim loại, nhiều người dân Đà Nẵng cũng báo cáo có tình trạng cá chết dạt bờ.