Bác Ba Phi (cố Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi, 1884 - 1964) vốn nổi tiếng với các câu chuyện dí dỏm do ông tự sáng tác và kể cho con cháu, xóm làng nghe. Nội dung câu chuyện do ông kể đơn giản, mộc mạc, xoay quanh cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
Với kỹ năng “nhân cách hóa” rất tự nhiên, lối kể hài hước, mượt mà âm sắc trào lộng, xen lẫn các chi tiết “nói dóc”, cường điệu quá mức, những câu chuyện của bác Ba Phi đem lại tiếng cười vui vẻ, sảng khoái cho mọi người sau ngày lao động mệt mỏi.
Bác Ba Phi trong ký ức con cháu
Nằm nép mình bên dòng sông Kênh Ranh thuộc ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), cuối con đường nhựa là nơi cố Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi sinh sống đến cuối đời.
Căn nhà nơi bác Ba Phi sinh sống đã được con cháu xây mới.
Dù không hẹn trước, nhưng cụ Nguyễn Thị Anh (89 tuổi, con dâu bác Ba Phi) và bà Nguyễn Mỹ Lệ (60 tuổi, cháu nội bác Ba Phi) đều vui vẻ, nồng hậu đón tiếp những vị “khách không mời” như chúng tôi.
Ở cái tuổi ngoài bát tuần, cụ Nguyễn Thị Anh đã không còn minh mẫn được như trước đây, ngay cả họ của mình, bà còn không nhớ nổi. Khi được hỏi về ngày giỗ của cha chồng, cụ Anh chỉ nhớ mập mờ rồi hỏi lại cô con gái cho chắc chắn. Bà Lệ ở phía sau nhà nghe vậy liền đáp lớn tiếng: “Ngày 3/11/1964 Âm lịch má ơi!”.
Nhắc về bác Ba Phi, cụ Anh cười hiền rồi bảo: “Ông già tía vui tính khỏi phải nói…”.
Tiếp lời mẹ, bà Lệ nhanh nhảu nói: “Hồi xưa, cô nghe mẹ với mấy chú kể lại là ông nội rất hài hước. Ông thường kể chuyện cho mấy chú bộ đội nghe, nên mấy chú mến thương ông lắm. Ông nội kể chuyện hay lắm, nói dóc mà người ta tin răm rắp”.
Theo lời kể của bà Lệ, bác Ba Phi là một người đàn ông đẹp trai, dáng người cao khỏe và giọng ca tài tử nên được nhiều cô gái mến mộ.
Cụ Nguyễn Thị Anh thắp nén hương cho cha chồng - cố Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi.
Bác Ba Phi có ba người vợ và người nào cũng đẹp người, đẹp nết. Bà vợ cả là cô Ba Lữ (Trần Thị Lữ) - con gái của Hương quản Tế giàu nhất vùng, cũng chính từ đó người ta gọi ông bằng cái tên ghép với tên thường gọi của vợ (tức là Ba Phi).
Sau khi xây dựng gia đình với bà Trần Thị Lữ, nhờ tính siêng năng, cần cù sẵn có, bác Ba Phi đã khai khẩn được rất nhiều ruộng đất ở xứ U Minh Hạ lúc bấy giờ. Bác Ba Phi sống với bà Ba Lữ nhiều năm, nhưng bà vẫn không sinh được con.
Thời gian sau, bác Ba Phi quen bà Lê Thị Lượng (Hai Lượng) và có người con chung tên Nguyễn Tứ Hải (chồng bà Nguyễn Thị Anh). Vì biết không thể sống hòa thuận dưới một mái nhà với bà Lữ, nên bà Lượng để con lại rồi về quê một mình.
Tiếp đó, bác Ba Phi gặp và cưới bà Lữ Thị Cham (Cà Cham) là cô gái người Khmer Nam bộ. Bà Cham có với bác Ba Phi ba người con gái và qua đời khi mới 24 tuổi.
Yêu thương người nghèo
Bác Ba Phi thuộc lớp hậu duệ của những tiền nhân đi khai mở đất rừng U Minh. Cả quãng đời, nhờ tính cần cù chịu khó bác Ba Phi đã làm chủ cả ngàn héc-ta đất nơi đây.
Trong ký ức của bà Lệ, sinh thời, bác Ba Phi là người đàn ông hào hiệp, nhân từ với tất cả mọi người mà ông gặp.
Đặc biệt, bác Ba Phi rất mực yêu thương người nghèo. Câu chuyện bác Ba Phi gỡ bộ ván gỗ rất quý cho người nghèo xẻ ra đóng quan tài chôn người chết và cả câu chuyện hiến ruộng cho làng xã để cấp cho dân nghèo sản xuất vẫn được người đời lưu truyền cho đến tận bây giờ.
Khi bác Ba Phi qua đời (ngày 3/11/1964 Âm lịch), con cháu đã chôn ông ngay trên khu đất cạnh nhà trước đây do chính tay ông khai phá. Ngôi mộ của ông hiện nằm giữa hai ngôi mộ của hai người vợ Trần Thị Lữ và Lữ Thị Cham.
Ngôi mộ của bác Ba Phi nằm giữa hai ngôi mộ của hai người vợ.
Bác Ba Phi để lại cho thế hệ sau một kho tàng truyện tiếu lâm. Mặc dù không được ghi chép rõ ràng, nhưng những mẩu chuyện kể như: Tàu rùa; câu ếch; rắn tát cá; nếp dẻo; cọp xay lúa… vẫn được truyền miệng và lan tỏa từ Bắc tới Nam. Hễ khi thấy ai nói chuyện “dóc” hay kể chuyện tiếu lâm, mọi người đều ví von: “Nói dóc như bác Ba Phi”.
Bác Ba Phi là hiện tượng văn hóa độc đáo của đất Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Ông được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam truy tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian năm 2003.
Sau đó, UBND tỉnh Cà Mau đã công nhận Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi (bác Ba Phi) là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2015.