Nhưng theo hãng tin CNBC, không nên để vẻ bề ngoài đó “đánh lừa”, bởi bà hoàn toàn không phải là một người phụ nữ bình thường.
Với vai trò là người sáng lập kiêm Tổng giám đốc Vietjet Air, bà Thảo đã đưa hãng hàng không giá rẻ tư nhân duy nhất của Việt Nam phát triển nhanh chóng tới mức, chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm sau khi đi vào hoạt động, lượng hành khách của Vietjet đã trên đà vượt qua hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines.
Câu chuyện bikini
“Khi con trai đầu của tôi mới chỉ vài tháng tuổi, tôi bắt đầu tìm hiểu về lĩnh vực hàng không giá rẻ”, người phụ nữ 45 tuổi kể với CNBC.
“Sau đó, tôi dành 10 năm để nghiên cứu về lĩnh vực hàng không, gặp gỡ CEO của các hãng hàng không giá rẻ khác nhau như Jetstar, Air Asia, và Southwest Airlines”.
Khi đó, ngành hàng không là một lĩnh vực tương đối mới mẻ với bà Thảo, người ban đầu giàu lên nhờ bất động sản. Mấu chốt thành công của bà Thảo là xác định đúng thời điểm.
Trước khi Vietjet có chuyến bay đầu tiên vào tháng 12/2011, Việt Nam chưa có một hãng hàng không giá rẻ nào của tư nhân. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu của Việt Nam phát triển ngày càng nhanh chóng và Chính phủ đã mở cửa cho ngành hàng không để tạo sự cạnh tranh.
Với Vietjet, bà Thảo cũng không ngại thu hút sự chú ý và gây tranh cãi.
Vào năm 2012, Vietjet từng trở thành đề tài trên khắp các mặt báo trong nước khi đưa lên các chuyến bay của mình dàn tiếp viên trong trang phục bikini.
Hiện nay, hãng không còn những chuyến bay với tiếp viên diện bikini, nhưng điều đó không có nghĩa là cách làm này sẽ không được áp dụng trở lại.
“Nếu một hình ảnh đẹp giúp khách hàng của chúng tôi cảm thấy vui, chúng tôi sẽ luôn cố gắng hết mình”, bà Thảo nói.
Về những lời chỉ trích cho rằng việc Vietjet cho tiếp viên mặc bikini là một chiêu trò quảng cáo lấy phụ nữ làm công cụ, bà Thảo nói: “Trên thế giới hiện nay, có nhiều cuộc thi sắc đẹp mà ở đó các thí sinh mặc bikini để thi.
Trang phục bikini thể hiện các nét đẹp. Thông điệp của chúng tôi tại Vietjet là chúng tôi làm điều này vì sắc đẹp và niềm vui”.
Kế hoạch IPO
Trọng tâm hoạt động của Vietjet là thị trường nội địa. Hãng hiện có 34 tuyến bay nội địa và 16 tuyến quốc tế, bao gồm các chuyến bay tới Singapore, Thái Lan và Myanmar.
Với kế hoạch mở rộng đầy tham vọng, Vietjet được cho là có kế hoạch thực hiện một vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm nay.
Bà Thảo không nói cụ thể Vietjet dự định huy động bao nhiêu vốn khi IPO hay tỷ lệ cổ phần bán ra trong đợt phát hành.
Tuy nhiên, bà cho biết kế hoạch của bà là mở rộng ra thị trường quốc tế tại khu vức Bắc Á và Đông Bắc Á, với những chuyến bay kéo dài 5-6 giờ đồng hồ từ Việt Nam.
Kế hoạch như vậy có thể bao gồm các chuyến bay tới Trung Quốc, Nga và Nhật Bản (Tokyo, Nagoya, Fukuoka).
“Họ rất tham vọng. Đến nay, họ tập trung vào thị trường nội địa. Thị trường nội địa luôn là thị trường dễ nhất, là quả chín ở dưới thấp”, nhà phân tích Brendan Sobie thuộc Centre for Asia Pacific Aviation nhận định.
“Giờ đã đến lúc họ hoàn tất giai đoạn thứ nhất này. Nếu họ muốn duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay, họ cần tiến xa hơn ra thị trường quốc tế vốn nhiều thách thức hơn, nhiều rủi ro hơn”, ông Sobie nói.
Vụ IPO sẽ giúp thúc đẩy kế hoạch của Vietjet về nâng số máy bay hoạt động từ con số 36 máy bay A320 và A321 hiện nay lên con số 45 máy bay trong năm 2016. Vietjet cũng muốn có thêm 2 tuyến bay nội địa và 18 tuyến bay quốc tế.
Liệu Vietjet có thành công hay không? “Nếu họ đưa ra những quyết định đúng đắn và không quá tham vọng, thì họ có thể thành công. Họ nên làm mọi việc với tốc độ hợp lý”, ông Sobie bình luận.
“Emirates châu Á”
Bà Thảo không ngại bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với hãng bay Emirates Airline có trụ sở ở Dubai, và đặt mục tiêu đưa Vietjet trở thành “Emirates của châu Á”.
“Họ có tầm nhìn toàn cầu. Emirates là hãng hàng không của một nước nhỏ, nhưng muốn thống trị cả thế giới”, bà nói.
Vị Tổng giám đốc Vietjet thừa nhận, thống lĩnh thị trường toàn cầu đồng nghĩa với dịch chuyển khỏi mô hình hãng bay giá rẻ, nhưng tin rằng bà có thể thành công mà không để mất lực lượng khách hàng cốt lõi - vốn rất nhạy cảm về giá cả - của Vietjet.
“Chúng tôi có thể vừa tăng cường hiệu quả chi phí, vừa cung cấp dịch vụ chất lượng cao”, bà Thảo nói. “Vietjet tự tin chất lượng dịch vụ của mình không hề kém hơn các hãng bay khác trên thế giới”.
Bà Thảo lấy các bữa ăn trên chuyến bay của Vietjet như một bằng chứng cho thấy kỹ năng của hãng về hiệu quả chi phí. Một bữa ăn của Vietjet trên tuyến Tp.HCM-Singapore có giá 3 USD, so với mức 10 USD của nhiều hãng bay khác.
“Đó là lý do vì sao chúng tôi không xem mình là một hãng bay giá rẻ bình thường. Chúng tôi xem mình là một hãng bay “lai” (hybrid) hoặc một hãng bay của kỷ nguyên mới”, bà Thảo phát biểu.