Ngày 19/9, ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đã ký văn bản hỏa tốc chỉ đạo Sở Y tế thu hồi ngay văn bản của sở này hướng dẫn chi tiết một số trường hợp người dân của tỉnh đi TPHCM và từ ngoài tỉnh vào địa phương này trong thời điểm dịch COVID-19.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã , thành phố không ban hành công văn, quy định trái với ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh gây khó khăn, bức xúc cho người dân.
Hôm 15/9, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hướng dẫn chi tiết trường hợp bệnh nhân chuyển đi TPHCM khám bệnh và từ ngoài tỉnh vào Bà Rịa-Vũng Tàu trong thời điểm dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, Bà Rịa-Vũng Tàu không giải quyết các trường hợp người bệnh đi khám chữa bệnh ngoài tỉnh những bệnh, kỹ thuật mà các bệnh viện tại Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện được. Đối với các trường hợp người bệnh không phải trong tình trạng cấp cứu nhưng đi khám chữa bệnh ngoài tỉnh những bệnh, kỹ thuật mà các bệnh viện ở Bà Rịa-Vũng Tàu không thực hiện được, nếu có thể trì hoãn được thì tư vấn bệnh nhân tạm hoãn xin đi khám.
Bà Rịa-Vũng Tàu giao Bệnh viện Bà Rịa khám bệnh nhân và quyết định vấn đề tạm hoãn có làm ảnh hưởng chỉ định hoặc kết quả điều trị các bệnh chuyên khoa Nội, Ngoại, Sản, Nhi. Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tâm thần khám bệnh nhân và quyết định vấn đề việc tạm hoãn có làm ảnh hưởng chỉ định hoặc kết quả điều trị các bệnh chuyên khoa Mắt, Tâm thần.
Nếu không thể trì hoãn được, các bệnh viện tuyến tỉnh cấp giấy chuyển tuyến. Bệnh viện Bà Rịa cấp giấy chuyển tuyến các bệnh chuyên khoa Nội, Ngoại, Sản, Nhi. Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tâm thần cấp giấy chuyển tuyến các bệnh chuyên khoa Mắt, Tâm thần.
Trường hợp người bệnh có giấy hẹn tái khám định kỳ của bệnh viện ngoài tỉnh, bệnh nhân phải đến Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tâm thần để được khám xác định bệnh, kỹ thuật thủ thuật có ngoài khả năng giải quyết của các bệnh viện trên hay không.
Sau khi có giấy chuyển tuyến của bệnh viện tuyến tỉnh, gia đình nộp hồ sơ cho Sở Giao thông Vận tải. Sở Giao thông Vận tải phối hợp Sở Y tế, tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giải quyết theo hướng dẫn chung tại văn bản 11325/UBND-VP ngày 26/8/2021.
Đối với các trường hợp phải chuyển tuyến lên tuyến trên, với các bệnh lý Nội, Ngoại, Sản, Nhi trong tình trạng cấp cứu, thì Bệnh viện Bà Rịa liên hệ bệnh viện tuyến trên, xác nhận chấp thuận tiếp nhận bệnh nhân, sau đó ký giấy chuyển tuyến khẩn cấp và chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương.
Sở Y tế đề nghị Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Giao thông Vận tải cho phép cho xe cứu thương “thông chốt” trong những trường hợp cấp cứu này để bảo đảm thời gian vàng cứu sống bệnh nhân.
Giám đốc đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nếu lái xe, nhân viên bệnh viện lạm dụng xe cứu thương và còi ưu tiên để “thông chốt” sai quy định.
Ngoài ra, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng quy định, sẽ không giải quyết cho những bệnh nhân đang điều trị COVID-19 ở các cơ sở điều trị ngoài tỉnh xin về Bà Rịa-Vũng Tàu để tiếp tục điều trị COVID-19; không giải quyết cho những người đang cách ly tập trung (F1) tại các cơ sở cách ly tập trung ở ngoài tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xin về để tiếp tục cách ly tập trung (ngoại trừ trường hợp đặc biệt, phải được duyệt bằng văn bản của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh).
Nếu bệnh nhân sau khi kết thúc quá trình khám chữa bệnh ngoài tỉnh hoặc tình trạng bệnh quá nặng không thể điều trị, bệnh viện tuyến trên trả về thì bệnh nhân (cùng thân nhân bệnh nhân) phải xuất trình giấy ra viện hoặc giấy chuyển tuyến, giấy trả kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính còn hiệu lực trong vòng 72 giờ.
Nếu bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu, thì xe cứu thương phải đưa bệnh nhân thẳng đến bệnh viện tầng 2 (Bệnh viện Vũng Tàu hoặc Trung tâm Y tế Long Điền), đưa vào ICU Bệnh viện Vũng Tàu nếu tình trạng nguy kịch.
Còn với bệnh nhân không đang trong tình trạng cấp cứu thì có thể đưa bệnh nhân về nhà nhưng nghiêm cấm xe dừng đỗ nhiều nơi. Ngay khi xe cứu thương đưa bệnh nhân đi thẳng về đến nhà, trạm y tế nơi bệnh nhân cư trú phải lấy mẫu xét nghiệm test nhanh SARS-CoV-2 cho bệnh nhân và tất cả những người đi cùng chuyến xe.
Kinh phí thực hiện test nhanh do bệnh nhân và thân nhân tự chi trả. Nếu dương tính (bệnh nhân và những người đi cùng) phải được xử lý theo quy định phòng chống dịch và phiên giải kết quả xét nghiệm test nhanh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Với các trường hợp xe cứu thương tự đưa người bệnh từ các bệnh viện điều trị COVID-19 ở ngoài tỉnh về Bà Rịa-Vũng Tàu thì lái xe và những người đi cùng phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính có giá trị trong vòng 72 giờ. Xuất trình tại các chất kiểm soát và thông báo y tế địa phương lưu trú.
Giãn cách xã hội ở phạm vi nhỏ nhất
UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và Ban chỉ đạo, trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch, UBND các huyện, thị, thành phố triển khai công điện 1409 ngày 15/9 của Bộ Y tế về xét nghiệm và một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.
Theo đó, Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu khi đề xuất thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội cần phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố...) nhưng có tính khả thi cao. Mục tiêu kiểm soát dịch nhanh nhất có thể để có thể gỡ phong toả trong thời gian 14 ngày.
Về công tác lấy mẫu xét nghiệm, ở các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và nguy cơ các địa phương cần phải có sự đánh giá đúng mức độ; khoanh vùng hẹp, gọn nhất có thể theo hẻm, tuyến phố, tổ dân cư, hoặc từ điểm phong toả mở rộng ra khoanh vùng theo bán kính phù hợp, nhưng có tính khả thi cao để lấy mẫu.
Tổ chức xét nghiệm toàn bộ người dân tại các khu vực đã xác định nguy cơ rất cao, nguy cơ cao trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày.