Bà Pelosi thăm Đài Loan theo cách chính thức hay không chính thức?

Nhật Đăng |

Đài Loan có khả năng tìm cách hạ thấp tầm quan trọng chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, nhưng Trung Quốc đại lục khẳng định đó là chuyến thăm “chính thức”.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi - Ảnh: AFP

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi - Ảnh: AFP

Rạng sáng 2-8 theo giờ Việt Nam, website của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi đã đăng tuyên bố chính thức của bà về kết quả chuyến thăm Singapore.

Đây là địa điểm đầu tiên trong 4 quốc gia châu Á bà Pelosi và phái đoàn sẽ ghé qua trong thông báo ngày 31-7. Các địa điểm còn lại là Malaysia, Hàn Quốc, và Nhật Bản.

Dư luận đặc biệt theo dõi liệu bà Pelosi có tới thăm Đài Loan như thông tin trước đó từ truyền thông Mỹ và khu vực hay không.

Đài Loan muốn "hạ nhiệt"

Tính tới nay, Đài Loan chưa xuất hiện trong bất kỳ tuyên bố chính thức nào liên quan tới chuyến đi này từ phía Mỹ. Tuy nhiên, những thông tin nhỏ giọt xuất hiện ngày càng dày đặc theo hướng khẳng định bà Pelosi sẽ là quan chức cấp cao nhất chính quyền Mỹ tới Đài Loan sau 25 năm.

Nếu xảy ra, chuyến thăm này sẽ bị Trung Quốc xem như hành động khiêu khích từ phía Mỹ. Bắc Kinh nhìn nhận Đài Loan là một tỉnh thuộc Trung Quốc chứ không phải một quốc gia riêng biệt, đồng thời yêu cầu cộng đồng quốc tế phải tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc".

Trước nguy cơ căng thẳng leo thang, một số ý kiến cho rằng phía Đài Loan và bà Pelosi đang tìm cách hạ thấp tầm quan trọng của chuyến thăm này.

Tờ South China Morning Post dẫn lời ông Drew Thompson, cựu quan chức quốc phòng Mỹ, nhận định bà Pelosi có khả năng liệt chuyến thăm Đài Loan vào dạng "không chính thức". Việc này sẽ vừa giúp giảm mối quan ngại từ Trung Quốc, vừa đủ để không bị xem là hành động lui bước trước áp lực từ Bắc Kinh.

Theo đó, ông Thompson dự đoán bà Pelosi sẽ "có điểm dừng chân không chính thức ở Đài Loan sau khi ghé thăm Malaysia", và đây là kịch bản Trung Quốc có thể chấp nhận.

Nói cách khác, mặc dù không thể dùng tư cách "công dân Mỹ" để đi ngang Đài Loan, bà Pelosi cũng có thể "quá cảnh" vài giờ ở Đài Loan và gặp lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.

Mặc dù vậy, một số nhà phân tích khác lo ngại Trung Quốc sẽ phản ứng trước bất kỳ hình thức ghé thăm nào. Theo chiều ngược lại, áp lực từ Bắc Kinh sẽ buộc bà Pelosi phải cương quyết giữ thể diện.

Ông Max Lo, giám đốc tại Cơ quan nghiên cứu chiến lược Đài Loan (trụ sở Đài Bắc), nói với South China Morning Post: "Một khi chuyến thăm của chủ tịch Hạ viện được thực hiện lén lút, điều này sẽ khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, bà Pelosi, và Đài Loan trông tệ hại".

Chính thức hay không chính thức?

Trên Twitter, trợ lý bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không chấp nhận việc xem chuyến đi (nếu có) của bà Pelosi là một sự kiện "không chính thức".

"Lẽ nào chủ tịch Hạ viện không phải một phần của Chính phủ Mỹ? Hay Mỹ có nhiều hơn một chính quyền? Chuyến thăm của nhân vật lãnh đạo số 3 tới Đài Loan bằng máy bay quân sự liệu có thể được xem như không chính thức không?...", bà Hoa Xuân Oánh viết tối 1-8.

Bà Pelosi thăm Đài Loan theo cách chính thức hay không chính thức? - Ảnh 2.

Cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nay là trợ lý bộ trưởng ngoại giao Hoa Xuân Oánh đặt hàng loạt câu hỏi trước thông tin về chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan - Ảnh chụp màn hình Twitter

Việc dán nhãn "chính thức" hay "không chính thức" không chỉ dừng lại ở mặt cảm nhận câu chữ. Thực tế, bà Hoa đã đề cập tới tuyên bố chung giữa Mỹ và Trung Quốc vào cuối năm 1978, khi Mỹ công nhận chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là "chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc".

Trong nội dung này, Mỹ chỉ duy trì quan hệ văn hóa, thương mại, và "các quan hệ không chính thức khác" với Đài Loan.

Trong dòng trạng thái Twitter nêu trên, cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chụp lại đoạn văn bản này để chất vấn cái gọi là "không chính thức" trong chuyến thăm (sắp xảy ra) của bà Pelosi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại