Ba nhiệm vụ ‘đi trước đón đầu’ của ngành Giao thông vận tải trong năm 2019

Đăng Sơn |

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ tập trung thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia, kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) và tăng cường đầu tư phát triển giao thông, để khẳng định vai trò đi trước đón đầu của ngành kinh tế phát triển đất nước. Trước thềm năm mới, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Tin tức về những nhiệm vụ trong năm 2019.

Những ngày đầu năm 2019 đã có nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra, Bộ trưởng sẽ chỉ đạo những giải pháp gì để hạn chế tình trạng này trong năm 2019?

Năm 2018, TNGT chỉ đạt 2/3 chỉ tiêu là số vụ giảm 6,7%, số người bị thương giảm 13,1%, nhưng số người chết chỉ giảm 0,4% (không đạt mục tiêu 5%).

Nguyên nhân là do ý thức của một số tài xế còn thấp, dù bằng cấp đầy đủ, nhưng không chấp hành quy định, như lái xe vẫn uống rượu bia, nghiện ma túy, đồng thời do cường độ làm việc quá cao.

Sắp tới, sẽ có một số quy định ràng buộc trách nhiệm chủ phương tiện theo hướng xử lý nặng lỗi này để răn đe. Thậm chí, một số vụ tai nạn chết người đặc biệt nghiêm trọng có thể thu hồi bằng lái xe vĩnh viễn.

Về góc độ ngành, Bộ GGTVT nhìn nhận hạ tầng đường xá còn yếu kém.

Cả nước có hơn 24.000 km đường, với nhiều cầu, mỗi năm cần trung tu khoảng 5.000 km, nhưng kinh phí duy tu hiện nay eo hẹp, chỉ đáp ứng khoảng 20 - 30% yêu cầu, nếu kéo dài thì hệ thống giao thông càng hư hỏng nặng, gây TNGT phức tạp.

Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng đề án duy tu bảo trì đường bộ trình Chính phủ, xem công tác duy tu sửa chữa là quan trọng hàng đầu.

Ngoài ra, hệ thống đường sắt cũng đang hạn chế, dọc tuyến đường sắt còn 5.719 đường giao cắt, nên việc đảm bảo an toàn giao thông rất khó khăn.

Bộ GTVT cũng đã có đề án tập trung làm cầu vượt, đường tránh, gom tại các đường ngang… với toognr mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.

Năm 2019, Bộ GTVT làm gì để đảm bảo tiến độ các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, thưa Bộ trưởng?

Năm 2019, Bộ GTVT phải triển khai hai công trình trọng điểm quốc gia là đường cao tốc Bắc Nam phía đông và sân bay quốc tế Long Thành. Dù có nhiều khó khăn, nhưng đến nay cơ bản đáp ứng được tiến độ.

Về sân bay quốc tế Long Thành, Chính phủ đã phê duyệt dự án giải phóng mặt bằng (GPMB), Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp với địa phương kiểm đếm để năm 2019 chi trả đền bù.

Cao tốc Bắc - Nam phía đông đã phê duyệt 11 dự án, dự kiến tháng 4/2019 sẽ bàn giao mốc GPMB cho địa phương và sẽ chọn lựa các đoạn ít ảnh hưởng đến dân cư để làm trước.

Năm 2019 sẽ cố gắng giải ngân 50% nguồn vốn GPMB mà Quốc hội đã bố trí (gần 15.000 tỷ đồng) khoảng 7.000 tỷ đồng.

Bộ GTVT dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ chọn được nhà đầu tư, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2020 - 2021 tập trung vào công tác xây dựng, trên có sở đấu thầu quốc tế rộng rãi và khẳng định nhà đầu tư trúng thầu “lời ăn lỗ chịu”, Nhà nước chỉ quản lý khung giá.

Bộ GTVT đã có nhiều nỗ lực để cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, tuy nhiên đây vẫn là “điểm nghẽn” của nền kinh tế. Vậy, Bộ GTVT có những kế hoạch gì để giải quyết “điểm nghẽn” này trong năm 2019?

Giai đoạn 2016 – 2018, ngành GTVT triển khai nhiều nhiệm vụ lớn trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước eo hẹp, nợ công đang ở mức cao, nguồn vốn vay ODA và huy động từ xã hội khó khăn, đó là những thách thức lớn cho cá nhân và ngành GTVT.

Do vậy, trong năm 2019 sẽ có rất nhiều việc cần phải làm. Giai đoạn trước mắt, ngành GTVT cần tập trung giải quyết một số nhiệm vụ cấp bách như: Triển khai sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2017 - 2020; sớm triển khai xây dựng các đoạn cao tốc Bắc - Nam và sân bay quốc tế Long Thành; sớm hoàn thành các tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; đẩy mạnh tái cơ cấu các phương thức vận tải để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và giải quyết các tồn tại liên quan đến các dự án BOT giao thông.

Đây là những mục tiêu cụ thể cần phải có những chuyển biến lớn, mang tính căn bản để ngành GTVT cùng với các Bộ, ngành và địa phương hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới và các nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Với truyền thống “Đi trước mở đường” cùng với sự đoàn kết của toàn ngành, sự chỉ đạo, tạo điều kiện kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương…

Bộ GTVT sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong việc sớm tạo được bước đột phá chiến lược về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Bộ trưởng có thể cho biết cụ thể hơn về các giải pháp thực hiện tháo gỡ “ điểm nghẽn” về hạ tầng, đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước?

Để triển thực thi hiệu quả kế hoạch, quy hoạch phát triển giao thông vận tải, khơi thông nguồn vốn cho các công trình giao thông cấp bách, Bộ GTVT sẽ tháo gỡ về thể chế chính sách, coi đây là chìa khóa để đẩy mạnh và thực hiện thành công việc huy động đầu tư vốn tư nhân.

Tiếp đến là về nguồn vốn, các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư chỉ có thể triển khai khi có phương án tài chính khả thi và được cung cấp nguồn vốn tín dụng.

Sau đó đến công tác tuyên truyền, Bộ GTVT sẽ minh bạch thông tin đầy đủ, chính xác, theo quy định của pháp luật về các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, giải thích và làm rõ sự cần thiết phải đầu tư dự án để tạo sự đồng thuận từ người dân.

Cuối cùng, Bộ GTVT sẽ lựa chọn các dự án để đầu tư theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát dự án BOT và chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới, để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

==>Xem bài gốc Tại Đây

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại