Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: AP)
Cụ thể, Thủ tướng Đức nói rằng, sau khi hết nhiệm kỳ bà sẽ ở lại Berlin và Uckermark, nơi gia đình bà có một căn hộ và một ngôi nhà ở vùng nông thôn.
“Sẽ không xa để đi từ đó đến khu vực bầu cử cũ của tôi”, bà Merkel nói.
Đồng thời, bà Merkel cho hay, bà cảm thấy “thiếu Biển Baltic”.
Trước đó, Thủ tướng Merkel đã thông báo ý định rời khỏi chính trường sau cuộc bầu cử Nghị viện năm 2021. Theo kết quả bầu cử Quốc hội vào ngày 26/9, nội các Chính phủ mới của Đức sẽ được thành lập và tiến cử tân Thủ tướng. Năm 2005, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức Thủ tướng Đức và đã giữ chức vụ này trong 16 năm.
Theo hãng tin DPA, Thủ tướng Đức Angela Merkel (67 tuổi) sau khi rời nhiệm sở sẽ nhận lương hưu khoảng 15 nghìn euro mỗi tháng. Số tiền lương hưu được xác định như vậy là do kể từ năm 1990 bà Merkel thường xuyên được bầu làm thành viên Hạ viện Đức.
DPA cho biết, bà Merkel được hưởng lương hưu với số tiền bằng 65% lương nghị viện hiện nay. Đồng thời, bà Merkel, với tư cách là cựu thủ tướng Đức, sẽ có quyền có văn phòng riêng với 2 trợ lý, 1 thư ký và 1 tài xế.
Theo một cuộc khảo sát của kênh truyền hình ARD, Thủ tướng Merkel - một trong số nhân vật nữ quyền lực nhất châu Âu, đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, từ khủng hoảng đồng euro, vấn đề bảo vệ khí hậu, loại bỏ hạt nhân sau thảm hoạ tại Fukushima (Nhật Bản), vấn đề người tị nạn và giờ đây là đại dịch Covid-19.
Có tới 3/4 (75%) số người được hỏi đánh giá tích cực vai trò thủ tướng Đức của bà Merkel trong ứng phó với các vấn đề này. Đặc biệt có tới 78% số người đủ tuổi bầu cử được hỏi nhận xét nữ Thủ tướng là người có năng lực, 77% đánh giá bà có tài lãnh đạo, 71% nhìn nhận bà là người đáng tin cậy và 69% nói nữ chính trị gia 67 tuổi của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo Đức (CDU) là người có thiện cảm, dễ mến.
Hôm 4/6/2020, bất chấp tỷ lệ ủng hộ đang ở mức cao, Thủ tướng Merkel tuyên bố sẽ không tái tranh cử nhiệm kỳ 5 và đang “dọn đường” cho người kế nhiệm.
Cuộc đua vào ghế Thủ tướng Đức đang bước vào chặng nước rút với ưu thế nghiêng về Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz, đại diện cho đảng Dân chủ Xã hội (SPD), hai ứng viên còn lại là Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đồng thời là Thủ hiến bang Nordrhein-Westfalen, ông Armin Laschet, đại diện cho Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo; và Chủ tịch đảng Xanh là bà Annalena Baerbock.