Mới đây, một phụ huynh ở Hà Nội đã khơi nguồn tranh cãi khi chia sẻ chuyện con trai lớp 6 đã biết tận dụng bài tập về nhà để... kinh doanh.
Chuyện là khi con được cô giao bài về nhà, bà mẹ vẫn thấy con chăm chỉ làm bài, còn chụp ảnh gửi bài tập khi các bạn nhắn tin hỏi đáp án. Nhưng bất ngờ sau đó, chị phát hiện ra con trai mình thực ra đang bán đáp án thu tiền. “ Theo quý vị và các bạn, tôi phải xử lý thế nào ”, phụ huynh này thắc mắc.
Bà mẹ cũng cho biết thêm con thích kinh doanh từ bé. Từ hồi cấp 1, con đã xin mẹ mua sticker để cắt nhỏ ra bán cho các bạn trên lớp. Tuy nhiên, chị cũng nhận thấy việc cho bạn chép bài tính phí có phần không phù hợp. Vì vậy, cần được sự tư vấn để hướng dẫn con đúng cách.
Câu chuyện của phụ huynh này thu hút hàng trăm bình luận.
Ảnh minh họa
Nhạy bén là tốt nhưng cần uốn nắn để con đi đúng hướng
Nhiều người nhận xét, con của bà mẹ này là cậu bé nhanh nhạy và thông minh, có tố chất kiếm tiền từ chất xám của mình. Vấn đề ở đây không chỉ là tiền, mà khi trẻ hiểu được kiến thức giúp mình đem lại rất nhiều lợi ích trong cuộc sống, trong đó có việc kiếm tiền thì trẻ còn ham học hơn, có động lực học tập hơn.
Một số ý kiến cũng chia sẻ, con của họ cũng có cách "kinh doanh" tương tự: "Bạn nhà mình năm cấp 2 chuyên làm bài tập hộ bạn (2-3 bạn thân chơi với nhau) 20 ngàn đồng/môn, có hôm bạn mua đồ ăn sáng cho, có hôm thì thấy bạn mua cho cái gì đó. Mình hỏi thì con nhà mình bảo: Các bạn bận chơi game không có thời gian. Bố mẹ bạn chiều lắm, không cấm vì nhà bạn giàu đi học cho vui thôi. Sau về làm chủ mẹ ạ. Con vừa có thu nhập lại vừa ôn bài kỹ hơn.
Lên lớp 10 thì bạn ý bảo nếu con đỗ chuyên mẹ cho con đập lợn con kinh doanh nhé. Từ lớp 10 thì bạn bắt đầu kinh doanh nho nhỏ theo sở thích. Mấy bạn sau không học cấp 3 cùng nhau nhưng vẫn thấy chơi với nhau bình thường. Bố mẹ đừng đặt nặng vấn đề quá. Nhiều khi vấn đề các con nghĩ rất đơn giản vui vẻ nhưng bố mẹ lại áp đặt theo suy nghĩ của người lớn", một người chia sẻ.
Tuy nhiên, hầu hết ý kiến cho rằng, con thích kinh doanh là tốt nhưng “bất hợp pháp” thì cần dừng ngay. Kinh doanh nhỏ lẻ như cắt nhỏ sticker, cho thuê truyện,… thực ra lại rất tốt cho sự phát triển của bé. Nhưng cần phải chọn "mặt hàng kinh doanh" phù hợp. Con cái nhanh nhẹn bố mẹ nào cũng vui nhưng những bạn như thế này cần uốn nắn sớm không sẽ sai một li đi một dặm.
Cho bạn chép bài là hại bạn, không tốt cho cả hai phía. Về phía con, kiếm được tiền sẽ ham, sẽ muốn kiếm thêm nhiều hơn nữa. Đầu óc luẩn quẩn chuyện tiền bạc từ nhỏ thì sẽ hạn chế những việc khác và năng lực khác. Về phía "khách hàng", các bạn sẽ nhìn nhận về cuộc sống rằng mọi thứ đều có thể giải quyết bằng tiền, đồng tiền là số một. Bên cạnh đó, sẽ tạo sự lười nhác cho các bạn, sẽ sinh ra những thế hệ "ăn sẵn".
Tất nhiên bạn lớp 6 chưa ý thức được hành vi của mình, bố mẹ nên có biện pháp giải thích, ngăn chặn phù hợp. Có rất nhiều "tấm gương" cực kỳ giỏi nhưng lại vướng lao lý vì đem tài năng của mình để thực hiện những hành động sai trái.
Cơ hội để dạy con bài học kinh doanh
Nhiều người khuyên, trong trường hợp này, phụ huynh nên giải thích để con hiểu làm như vậy là sai quy định nhà trường, để lại nhiều hệ lụy về lâu dài cần chấm dứt.
Hành động này cho thấy con đang vì lợi ích kinh tế của bản thân mà tạo điều kiện cho bạn khác chây lười, vi phạm kỉ luật, thiếu trung thực với thầy cô và bạn bè. Xa hơn là gián tiếp lan truyền và cổ xuý tính thiếu kỉ luật, thiếu cố gắng, không dám chịu trách nhiệm, thành tích ảo, dễ bị ảo tưởng bản thân, không đối diện được với thực tế, tạo nên tính bất chấp kỉ luật để đạt lợi ích, mất đi sự trong sáng của tình bạn lứa tuổi học trò,…
Câu chuyện này là cơ hội để phụ huynh có bài học dạy con: Đó là có khả năng kinh doanh là tốt nhưng cần chọn lựa mặt hàng để kinh doanh, không buôn bán những sản phẩm dịch vụ trái quy định của pháp luật (ở trường hợp này là trái nội quy của nhà trường).
Phụ huynh cũng có thể khuyến khích con mở lớp học nhóm với các bạn, vừa hướng dẫn các bạn cách làm bài - như vậy là giúp bạn; bên cạnh đó vẫn thu phí gọi là phí bánh kẹo nước uống bồi dưỡng cho "thầy giáo". Đây là một hình thức làm gia sư giúp con vừa củng cố kiến thức vừa gắn kết quan hệ bạn bè.