Ba Lan thông báo ngừng nhập khẩu khí đốt Nga

Hải Ngọc |

Chính phủ Ba Lan vừa thông báo kết thúc hợp đồng mua khí đốt Nga dù hợp đồng này tới cuối năm 2022 mới hết hạn.

Trạm khí đốt của Gaz-System ở Rembelszczyzna, gần thủ đô Warsaw - Ba Lan hồi cuối tháng 4-2022. Ảnh: AP

Trạm khí đốt của Gaz-System ở Rembelszczyzna, gần thủ đô Warsaw - Ba Lan hồi cuối tháng 4-2022. Ảnh: AP

Cùng với Bulgaria và Phần Lan, Ba Lan từ chối thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng rúp theo cơ chế mới mà Moscow đưa ra vào cuối tháng 3. Đài RT ngày 23-5 dẫn lời ông Piotr Naimsky, Ủy viên về Hạ tầng năng lượng chiến lược của Ba Lan, như sau: "Sau 30 năm, có thể nói rằng mối quan hệ trong ngành khí đốt giữa Ba Lan và Nga đã chấm dứt".

Cũng theo quan chức này, đoạn đường ống Yamal - châu Âu đi qua Ba Lan, vốn dùng để vận chuyển khí đốt từ Nga, có thể chuyển sang vận chuyển nguồn cung từ Đức.

Theo đài RT, nhiều công ty năng lượng châu Âu đã tuân thủ cơ chế thanh toán mới của Nga. Đầu tháng này, Liên minh châu Âu (EU) đã cập nhật hướng dẫn để các doanh nghiệp trong khối có thể mua khí đốt Nga bằng đồng rúp mà không vi phạm các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow.

Về phần Ba Lan, tập đoàn Gazprom của Nga đã ngưng chuyển khí đốt đến nước này từ cuối tháng 4, sau khi công ty năng lượng Ba Lan PGNiG lắc đầu với ý tưởng trả bằng đồng rúp. Tiếp đó, Ba Lan nhận khí đốt cũng là nguồn từ Nga nhưng từ Đức chuyển sang - Gazprom cho biết.

Thông tin này được hãng tin Bloomberg (Mỹ) xác nhận. Cụ thể, vào thời điểm 1 tuần sau khi bị Gazprom cắt vận chuyển, Ba Lan vẫn nhận được khi đốt từ Nga nhưng đây là lượng khí đốt được người mua ở Ý, Pháp đặt hàng và được vận chuyển thông qua các đường ống băng qua Ba Lan.

Ông Sergei Kupriyanov, người phát ngôn của Gazprom, cho biết Ba Lan được đồng minh EU hỗ trợ bằng cách đảo chiều luồng vận chuyển. Ngoài Ý và Pháp, Đức cũng dùng cách này để "tiếp tế" cho Ba Lan. Theo ông Kupriyanov, Ba Lan chuyển một phần khí đốt nhận được vào các kho chứa, vốn đã đầy 80%. Tỉ lệ này khá cao nếu so với tỉ lệ chung của EU là 36%, theo dữ liệu của Hiệp hội Hạ tầng khí đốt châu Âu.

Trước đó, Gazprom đã cảnh báo sẽ giảm lượng khí đốt được trung chuyển qua các nước cung cấp cho Ba Lan nhưng chưa rõ phản ứng thực sự của Gazprom hiện như thế nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại