Trong bối cảnh đó, những tuyên bố lặp đi lặp lại của Ba Lan về việc nước này từ chối gia hạn hợp đồng cung cấp khí đốt của Nga sau năm 2022 ngày càng trở nên kỳ lạ.
Theo đó, nếu Ba Lan ngừng mua khí đốt của Nga, điều này có nghĩa là xuất khẩu sẽ giảm khoảng 10 tỉ mét khối, tương đương 5% tổng sản lượng. Tuy nhiên, do nhu cầu về khí đốt tăng lên ở châu Âu, sẽ không quá khó để bù đắp cho các nhu cầu này.
Mặt khác, Ba Lan có lý do của riêng mình. Bời vì, Warsaw tin rằng đường ống Baltic Pipe từ Đan Mạch chạy sang Ba Lan sẽ cho phép cung cấp tới 10 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm từ các mỏ ở Biển Bắc. Các nhà chức trách Ba Lan dự định sẽ hoàn thành việc xây dựng vào ngày 1/10/2022.
Ba Lan bất ngờ chuyển hướng, không gia hạn hợp đồng mua khí đốt của Nga. (Ảnh: AP)
Ba Lan đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, khí đốt từ đường ống Baltic Pipe cũng có thể được xuất khẩu, có nghĩa là bao gồm các nước láng giềng Baltic và Ukraine. Bản thân Ba Lan sản xuất khoảng 5 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm. Nước này cũng có một nhà máy tái chế khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể nhận thêm 5 tỉ mét khối khí mỗi năm.
Theo các chuyên gia, có vẻ như Warsaw hoàn toàn có khả năng từ chối khí đốt của Nga và thậm chí có thể có lợi.
Khí đốt giá rẻ sẽ làm giảm chi phí sản xuất điện, giảm tỉ trọng các nhà máy nhiệt điện than, trong đó có rất nhiều ở Ba Lan và trong trường hợp dư thừa khí, Warsaw có thể nhận thêm thu nhập từ việc xuất khẩu. Nhưng trên thực tế, triển vọng đối với Ba Lan không quá sáng sủa và sẽ khó có thể từ chối khí đốt của Nga.
Phó Tổng Giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga Alexei Grivach cho biết, tại Na Uy, nguồn tài nguyên đang cạn kiệt, nước này đang rất nỗ lực để duy trì sản xuất và xuất khẩu sang châu Âu ở mức như hiện tại.
“Để lấp đầy đường ống Baltic Pipe trong trung hạn, cần phải loại bỏ một phần khối lượng khí đốt của Na Uy khỏi các tuyến hiện có, rất có thể là từ Đức. Và sự sụt giảm này sẽ phải được bù đắp bằng sự gia tăng nguồn cung cấp khí đốt của Nga”, chuyên gia nhận định.
Theo ông Grivach, chính vì việc thiếu cơ sở tài nguyên, nên sự nhầm lẫn xảy ra đối với việc đánh giá năng lực của Baltic Pipe.
“Ngoài ra, khí đốt của Na Uy có mối liên hệ chặt chẽ hơn với giá giao ngay, vốn đang phá vỡ kỷ lục”, ông Grivach giải thích.
Bây giờ chi phí của các nhà nhập khẩu châu Âu cao hơn khoảng 1,5 lần so với giá của Nga. Và Ba Lan sẽ vẫn phải trả tiền giao hàng để thu hồi các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới.
Ông Grivach nhận định, Ba Lan đã trở nên cẩn thận hơn nhiều với những tuyên bố về triển vọng xuất khẩu khí đốt từ Nga. Không thể loại trừ rằng với giá khí đốt giao ngay như vậy, Ba Lan sẽ sớm thay đổi hoàn toàn quan điểm về việc từ bỏ khí đốt của Nga.
Hiện Ba Lan đang sử dụng nguồn khí đốt của Nga cung cấp bằng đường ống Yamal theo hợp đồng được ký giữa công ty khí đốt PGNiG của Ba Lan và tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga vào ngày 25/9/1996 và sẽ hết hạn vào ngày 31/12 tới.
Trước đó, Đặc mệnh toàn quyền của chính phủ về Cơ sở hạ tầng Năng lượng Chiến lược Ba Lan Piotr Naimski cho biết, hợp đồng cung cấp khí đốt giữa Nga với Ba Lan sẽ hết hạn vào cuối năm nay nhưng nước này sẽ không gia hạn mà sẽ chuyển sang hợp đồng khác với Na Uy.
Theo ông Naimski, việc xây dựng đường ống mới sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch sau khi một số trở ngại liên quan đến vấn đề môi trường trên lãnh thổ Đan Mạch đã được giải quyết.
Mới đây, vào tháng 6/2021, Đan Mạch đã rút giấy phép môi trường cho một đoạn đường ống trên bộ qua lãnh thổ Đan Mạch khiến dự án có nguy cơ bị chậm tiến độ.