Thượng viện Mỹ đã thông qua đề cử bà Gina Haspel giữ chức Giám đốc CIA tuần trước, với 54 phiếu thuận và 45 phiếu chống. Trước khi Thượng viện thông qua đề cử, bà Haspel đã giữ chức Quyền Giám đốc CIA.
Trước đó, việc bổ nhiệm bà Haspel đã vấp phải những phản đối dữ dội do bà liên quan tới việc CIA sử dụng các phương pháp thẩm vấn khắc nghiệt và được coi là một dạng tra tấn trong những năm sau khi xảy ra thảm họa tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 trên đất Mỹ.
Gina Haspel là ai?
Bà Haspel, 61 tuổi, làm việc cho CIA từ năm 1985 và được đánh giá là một quan chức tình báo lão luyện, có nhiều năm kinh nghiệm ở nước ngoài. Năm 2017, bà Haspel được Tổng thống Donald Trump tiến cử làm Phó Giám đốc CIA.
Thời điểm đó, khi còn giữ chức Giám đốc CIA, ông Mike Pompeo đánh giá rằng: “Bà Gina là một quan chức tình báo điển hình, có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc cho CIA. Bà cũng là một nhà lãnh đạo giỏi và có khả năng hoàn thành công việc một cách hiệu quả, cũng như truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Chúng tôi rất may mắn khi một người có trí tuệ, nhiều kỹ năng và kinh nghiệm như vậy làm Phó Giám đốc”.
Sau khi ông Mike Pompeo được đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ thay ông Rex Tillerson, bà Haspel giữ quyền Giám đốc CIA. Sau đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố đề cử bà Gina Haspel vào vị trí Giám đốc chính thức của CIA.
Việc bà Haspel được đề cử làm Giám đốc CIA đã gây tranh cãi, bởi bà đã từng tham gia vào một chương trình tra tấn tù nhân của CIA (nay đã bị cấm) vào năm 2002. Theo báo New York Times, bà “đã giám sát quá trình tra tấn của hai nghi phạm khủng bố và sau đó đã tiêu hủy các đoạn băng ghi lại các cuộc tra khảo dã man của CIA tại một nhà tù bí mật ở Thái Lan”.
Bà Haspel đã từng xin rút khỏi đề cử do lo ngại vai trò của bà trong chương trình thẩm vấn kể trên có thể gây tổn hại danh tiếng của bà cũng như của CIA. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump vẫn tuyên bố ủng hộ bà Haspel.
Sự nghiệp của bà Haspel tại CIA
Những năm 1980 của thế kỷ trước, có rất ít cơ hội để những người phụ nữ có thể sống cả đời với sự nghiệp tình báo. Thế nhưng bà Haspel gia nhập CIA với niềm đam mê riêng và trở thành một trong số ít những người phụ nữ có thể thăng tiến lên những vị trí cao trong CIA.
Vị trí đầu tiên mà bà Haspel có được là sỹ quan của CIA tại Ethiopia. Đây là vị trí không dễ dàng gì đối với bà Haspel, nhưng nó đã giúp bà có thêm kinh nghiệm trong việc điều hành các hoạt động phản gián.
Lần đầu tiên bà Haspel được bổ nhiệm làm người đứng đầu văn phòng nước ngoài của CIA là năm 1996 tại Baku, Azerbaijan. Washington Post dẫn lời những người từng làm việc với bà Haspel cho biết, sự bổ nhiệm này khiến nhiều đồng nghiệp nam ở CIA hoài nghi. Họ cho rằng CIA không nên cử phụ nữ tới một địa bàn xa xôi và khó khăn như vậy.
Việc chuyển công tác tới Trung tâm chống khủng bố của bà Haspel cũng là một mốc mang tính quyết định. Ngày làm việc đầu tiên của bà đúng vào ngày 11/9/2001, ngày xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng của Mỹ. Theo lời kể của các đồng nghiệp, bà Haspel sau đó đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến dịch chống al-Qaeda của CIA. Thời điểm đó, làm việc tại Trung tâm chống khủng bố là điều ít người mong muốn, nhưng đây là lĩnh vực mà phụ nữ thường làm rất tốt.
Việc bà Haspel trở thành nữ Giám đốc đầu tiên của CIA đánh dấu một mốc quan trọng không chỉ với nước Mỹ, cá nhân bà Haspel, mà nó còn đánh dấu sự nổi lên của phụ nữ trong các cơ quan tình báo.
Phát biểu với các thượng nghị sỹ tuần trước, bà Haspel nói rằng: “Có thể không phải là cách của tôi khi nói rằng tôi là phụ nữ đầu tiên được giao trọng trách này, nhưng sẽ là thiếu sót nếu tôi không đánh dấu mốc quan trọng này, ít nhất là bởi sự ủng hộ của những phụ nữ trẻ ở CIA, những người coi đây là một tín hiệu tốt đối với sự nghiệp riêng của họ”.
Sau cuộc bỏ phiếu ngày 17/5, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Daniel Coats đã gọi bà Haspel là “người mở đường”, đánh giá cao những kinh nghiệm quản lý cũng như kinh nghiệm thực địa mà bà có được trong sự nghiệp hơn 3 thập kỷ tại CIA. “Việc đề cử bà vào vị trí Giám đốc CIA là sự lựa chọn tốt nhất”, Washington Post dẫn lời ông Daniel khẳng định./.