Bà Đen là ai?

Bằng Lăng/VTC News |

Bà Đen là tên một ngọn núi, địa điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Ninh; bạn có biết bà Đen là ai?

Ngọn núi lửa đã tắt nằm ở phía Đông Bắc thành phố Tây Ninh, thuộc địa phận xã Thạnh Tân, cách trung tâm thành phố 11km có tên là núi Bà Đen. Núi này cách TP.HCM 96km, có độ cao 986m. Đây là ngọn núi cao nhất miền Nam, được mệnh danh "đệ nhất thiên sơn".

Theo Gia Định thành thông chí , núi vốn có tên là Bà Dinh. Nhiều bậc kỳ lão ở địa phương cho rằng tên gốc của nó là núi Một, đến khoảng nửa thế kỷ 18 mới xuất hiện tên gọi Bà Đênh, sau gọi trại dần thành núi Bà Đen. Cũng có người gọi đây là núi Điện Bà. Tóm lại, tên núi hầu như liên quan đến một người phụ nữ được tôn kính, nhiều người vẫn gọi tắt là núi Bà.

Bà Đen là ai?- Ảnh 1.

Núi Bà Đen ở Tây Ninh. (Ảnh: Sunworld)

Bà Đen là ai?

Đây không phải là nhân vật lịch sử. Nhân vật bà Đen tồn tại trong các truyền thuyết dân gian kể về người con gái chết oan, sau hiển linh cứu nhân độ thế, mang lại nhiều may mắn cho chúng sinh. Câu chuyện về nàng mà dân gian kể lại gắn với một thời đại lịch sử và liên quan đến một số nhân vật lịch sử.

Chuyện rằng, bà Đen tên thật là Lý Thiên Hương, con gái một vị quan trấn nhậm Trảng Bàng thuộc triều Nguyễn tên là Lý Thiên. Mẹ là bà Ðặng Ngọc Phụng, người gốc Bình Ðịnh, vào Trảng Bàng lập nghiệp.

Lý Thiên Hương vốn xinh đẹp, con nhà gia giáo nên được nhiều người để ý. Trong làng có chàng trai tên Lê Sỹ Triệt mồ côi cả cha lẫn mẹ, may được nhà sư Trí Tân nuôi dưỡng nên văn hay, võ giỏi, cũng tỏ lòng cảm mến nàng.

Một lần, Thiên Hương lên núi lễ Phật thì bị một đám côn đồ vây bắt. Giữa lúc nguy khốn, Lê Sỹ Triệt bất ngờ xuất hiện, dũng cảm xông ra bảo vệ nàng. Cảm động trước tấm lòng nghĩa hiệp đó, Thiên Hương về thuật lại với cha mẹ và được cha mẹ đồng ý gả cho chàng. Tuy nhiên, họ chưa kịp làm đám cưới thì Lê Sỹ Triệt phải tòng quân. Thiên Hương hứa ở nhà giữ trọn danh tiết chờ chàng.

Ngày nọ, nàng lên núi lễ Phật và thăm dưỡng phụ của chồng chưa cưới thì bị kẻ xấu vây bắt, toan làm nhục. Thiên Hương chạy cùng đường, nhào xuống khe núi tử tiết. Sau khi qua đời, nàng hiển linh với hình dáng một người phụ nữ đen đúa, báo mộng cho vị sư trụ trì trên núi để sư cho tìm thi thể Thiên Hương mang về mai táng.

Vì vậy, nhà sư gọi nàng là nàng Đen, còn người đời sau gọi là bà Đen để tỏ lòng tôn kính.

Một lần khi bị quân Tây Sơn đuổi đánh, chúa Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) lẩn tránh ở núi Bà Đen. Do thiếu lương thực, quân tướng đều đói lả. Nghe đồn về sự linh thiêng của bà Đen, trong cơn tuyệt vọng, chúa Nguyễn Ánh cầu khẩn xin phò trợ. Đêm đó, bà Đen xuất hiện trong mộng, mách chúa một loại cây cho quả có thể cứu đói binh sỹ.

Thức dậy, Nguyễn Ánh truyền cho binh sỹ hái quả để ăn; ông đặt tên cho nó là “quả tùng quân”. Năm 1790, Nguyễn Ánh đưa binh lính quay lại núi này, cất điện thờ, phong sắc Linh Sơn Điện, đúc tượng và phong bà Đen là Linh Sơn Thánh Mẫu.

Bà Đen là ai?- Ảnh 2.

Khu du lịch núi Bà Đen Tây Ninh. (Ảnh: Sungroup)

Cũng theo lời kể của dân gian, về sau, câu chuyện bà Đen được đồn đại đến tai Thượng Quốc công Lê Văn Duyệt (đại thần phục vụ 2 đời vua Gia Long và Minh Mạng). Ông quyết chí tìm hiểu về bà Đen và hứa sẽ dâng sớ lên vua xin sắc phong cho Lý Thiên Hương nếu nàng hiển linh. Một hôm, Thiên Hương nhập vào một cô gái để trò chuyện với ông, nàng nói: "Hồn của thượng quan sau này sẽ được hóa thần nhờ tài đức, tuy nhiên phần xác sẽ bị hành hạ không vẹn toàn".

Lê Văn Duyệt nói: " Bổn chức không hỏi tương lai của mình, mà chỉ muốn biết căn nguyên nỗi oan của nàng". Cô gái rưng rưng nước mắt kể lại cái chết oan khiên, và cho biết do vẫn còn trong trắng khi qua đời, nàng được trở thành tiên thánh và được cử xuống phàm trần để cứu nhân độ thế. Sau khi bà Đen thăng thiên, cô gái bị nhập bất tỉnh, mãi lâu sau mới dậy.

Lê Văn Duyệt xin vua phong cho nàng Thiên Hương - bà Đen làm “Linh Sơn Thánh mẫu”, từ đó núi được gọi là núi Bà Đen.

Một số cách lý giải khác về tên núi Bà Đen

Ngoài câu chuyện nàng Lý Thiên Hương, dân gian còn có một số cách lý giải khác về nguồn gốc tên núi Bà Đen. Có ý kiến cho rằng, ngày xưa, chủ vùng núi này là người phụ nữ Phù Nam có tên là Rê Đeng, người đời sau đọc chệch thành Đen.

Một truyền thuyết được ghi trong quyển "Sự tích Thánh Mẫu Phật Bà Tây Ninh " kể rằng, thuở mới khai hoang vùng đất này, một viên quan trấn thủ vùng chân núi Một (núi Bà Đen hiện nay) có hai người con, con trai là Thạch Biên, con gái là Thạch Nương, tên thường gọi là Đênh.

Khi nàng Đênh 13 tuổi, một nhà sư tên là Trung Vân Danh, đạo hiệu Trừng Thanh tìm đến lưng chừng núi Một dựng chùa thờ Phật. Vì mộ đạo, nàng Đênh xin theo sư học đạo. Thấy nàng xinh đẹp, quan trấn thủ Trảng Bàng gọi người mai mối xin cưới cho con trai. Hai gia đình đang chuẩn bị lễ cưới thì nàng mất tích.

Họ kiếm khắp nơi thì phát hiện một khúc chân nghi là của nàng Đênh. Mọi người đồn đoán rằng nàng Đênh đã bị cọp vồ. Gia đình mai táng khúc chân và lập mộ cho nàng dưới chân núi, rồi sau núi được gọi theo tên nàng Đênh, dần dần biến âm thành Đen.

Hiện nay trên núi Bà Đen có khu du lịch quốc gia với tên gọi "Sun World Ba Den Mountain", một trong những điểm đến luôn thu hút rất nhiều du khách. Lễ hội xuân núi Bà Đen được tổ chức từ mùng 4 tháng Giêng cho đến hết tháng Giêng hằng năm, trong đó quan trọng nhất là 3 ngày từ mùng 4 đến mùng 6. Trong dịp này, những người hành hương đến đây thường xin những gói giấy đỏ đựng nhúm gạo hoặc tiền lẻ, coi như xin lộc Bà đầu năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại