"Con dâu tôi gọi về bảo: Mẹ bị lừa rồi, tôi bảo về nói chuyện sau rồi cúp máy cái rụp. Lúc tôi đi chuyển tiền xong, đến nhà thì thấy hai vợ chồng nó bỏ cả việc về khuyên can, tôi còn la nó.
Anh công an phường tới, tôi đuổi về nốt. Giờ nghĩ lại, chẳng hiểu sao lúc đó lại làm vậy”, bà H lắc đầu nói.
“Chẳng biết tại sao làm vậy!”
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Thông, phường 9, quận 3, bà H. (cán bộ hưu trí) kể: Ngày 19-10, bà nhận được cuộc gọi, báo có bưu phẩm, không rõ ai gửi.
“Nó bảo nếu không rõ thì bấm số 0 để gặp tổng đài viên, tôi làm theo.
Lúc này có giọng nữ xưng là nhân viên VNPT thông báo tôi có mở tài khoản bên ngân hàng Sacombank hiện vay nợ hơn 16 triệu. Nếu không trả trong vòng 2 tiếng sẽ bị truy tố…”, bà nhớ lại..
“Tôi phân vân vì sinh sống ở TPHCM mấy chục năm nay, chẳng giao dịch với ngân hàng này sao có chuyện vay nợ được. Nữ tổng đài gợi ý sẽ nối máy giúp đến Công an Hà Nội để tìm hiểu thực hư sự việc”, bà kể.
Theo bà H., khi nối máy, bà nghe giọng một người đàn ông và người này cho bà hai số điện thoại để liên lạc gồm số 1080 và 06923207700 .
“Ông ta bảo tôi gọi tổng đài 1080 hỏi xem số điện thoại kia là của ai rồi làm việc tiếp. Tôi làm theo, thì được biết đó là số của Công an Hà Nội, Phòng C44”.
Khi bà H. gọi vào số 06923207700, bà H ngớ người khi nhận tiếp thông tin: không những bà mở tài khoản, nợ hơn 16 triệu đồng mà tài khoản của bà còn liên quan tới đường giây rửa tiền quy mô lớn vừa bị công an bắt giữ.
Qua điện thoại, người xưng là công an Hà Nội dọa bà H. là sẽ bắt tạm giam trong vòng 3 tháng để phục vụ công tác điều tra!
“Họ nói rất thông cảm với hoàn cảnh gia đình, tôi cũng đã lớn tuổi nhưng vẫn sẽ bị bắt tạm giam tôi để phục vụ công tác điều tra. Nghe tới đi tù là sợ rồi.
Biết mình không làm gì sai nhưng sợ “chưa được vạ má đã sưng”, bao nhiêu trường hợp oan sai, rồi chồng con tôi sẽ bị ảnh hưởng, mai mốt có được giải oan liệu có sống nổi không… nên tôi chấp nhận yêu cầu của họ là “làm trắng tài khoản” tức rút toàn bộ sổ tiết kiệm và vay thêm 10 triệu đồng tiền nhà cho đủ 100 triệu để đi nộp cho họ”, bà nói.
Theo bà H. qua điện thoại, người xưng là công an báo: “Trong vòng 24h nếu điều tra không phát hiện vấn đề sẽ hoàn lại toàn bộ số tiền trên”.
Sau khi biết bị lừa, bà đã trình báo, công an quận 3 đang tiếp nhận thụ lý vụ án.
Mới đây, ông Đ (65 tuổi, ngụ Phú Nhuận) cũng bị lừa với thủ đoạn tương tự. Số tiền bị mất gần nửa tỷ đồng và cũng đến công an Quận Phú Nhuận trình báo.
Công an cảnh báo
Theo Trung tá Lê Minh Lê, Đội trưởng Đội Tổng hợp Công an quận 3, với những cuộc gọi thoại thông báo nợ cước điện thoại, người dân không cần suy nghĩ mà cúp máy vì đây là thông tin lừa đảo.
“Các công ty điện thoại chỉ gửi thư để thông báo nợ cước chứ không sử dụng hộp thư thoại. Thứ hai, công an làm việc không bao giờ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.
Khi yêu cầu người dân làm việc, công an sẽ có thư mời ghi rõ thời gian, địa điểm và người dân tới trực tiếp tại cơ quan, trụ sở công an để làm việc” - Trung tá Lê Minh Lê nhấn mạnh.
Ông cũng cho hay những kẻ lừa đảo qua điện thoại nhắm tới đa phần là bà nội trợ, những người lao động… lại không tham gia sinh hoạt tổ dân phố nên không nghe thông tin cảnh báo hoặc cá biệt có trường hợp có nhận thông tin cảnh báo nhưng không đọc nên vẫn bị mắc lừa. Không chỉ mạo danh công an, những kẻ lừa đảo còn giả danh viện kiểm sát, tòa án…
“Trong những vụ án lừa đảo qua điện thoại mà Công an quận 3 thụ lý trước đó, có những vụ các đối tượng lừa đảo sử dụng giấy tờ giả để đăng ký mở tài khoản.
Chính điều này cũng làm cho công tác điều tra của công an gặp khó khăn và mất thời gian hơn. Trong khi việc thu hồi tài sản cho người dân cấp bách, chậm một vài giây thôi đã là thời cơ để chúng rút hết tiền của nạn nhân” - Trung tá Lê Minh Lê trăn trở.
Bởi vậy, các nhà mạng cũng cần có biện pháp để ngăn chặn việc phát tán những thông tin lừa đảo qua tin nhắn thoại đến khách hàng sử dụng điện thoại.