Đó là gia đình ông Nguyễn Quốc Ngữ (SN 1950, bộ đội về hưu) và bà Phùng Thị Hiền (SN 1956, giáo viên về hưu).
Ông bà sinh được 2 người con trai. Các con của họ đều đã lập gia đình.
Hiện tại, tất cả các thành viên bao gồm ông Ngữ - bà Hiền, vợ chồng con trai cả, vợ chồng con trai thứ và 3 cháu nhỏ cùng sinh sống trong căn hộ 78 m2 tại một chung cư ở Xa La, Hà Đông, Hà Nội.
Vợ chồng ông Nguyễn Quốc Ngữ và các cháu
Chia sẻ về cuộc sống gia đình, ông Ngữ cho biết, vợ chồng ông kết hôn từ năm 1983. Đến nay, 34 năm trôi qua với rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng họ chưa một lần to tiếng.
“Tôi là bộ đội còn nhà tôi là giáo viên. Nghề bộ đội và giáo viên đều vất vả, lương bổng lại không đáng bao nhiêu vì thế phải thật sự cần cù, chịu khó vợ chồng tôi mới nuôi được các con.
Đến nay, các con của chúng tôi đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm và gây dựng gia đình”, ông Ngữ chia sẻ.
Ông cho biết, 2 con trai của ông đều đã lấy vợ, sinh con và đến nay, tất cả đều sống cùng sống với nhau dưới một mái nhà.
Ông bảo, khi sống chung, ông bà đều xác định sẽ giúp đỡ các con các cháu, tạo điều kiện để các con yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ do cơ quan đoàn thể giao phó.
“Hàng ngày, tôi nhận nhiệm vụ đưa 2 cháu nội đi học. Vợ tôi ở nhà dọn dẹp nhà cửa, lo việc cơm nước và bế một cháu bé hơn.
Buổi chiều, tôi đón các cháu từ trường về, tắm rửa và cho các cháu ăn. Bố mẹ chúng về chỉ việc tắm giặt, ăn cơm.
Tuy nhiên các con cũng rất có ý thức. Mỗi khi về sớm, các con đều chung tay làm việc nhà cùng với bố mẹ. Hai ngày cuối tuần, con cũng tạo điều kiện để bố mẹ được nghỉ ngơi”, ông Ngữ tiếp tục chia sẻ.
“Hai cô con dâu của tôi đều học qua đại học. Các cháu rất biết cư xử nên chưa bao giờ có chuyện mâu thuẫn giữa bố mẹ chồng nàng dâu hay giữa hai chị em dâu. Các con dâu cũng dạy con rất tốt, rất bài bản”, ông Ngữ nói tiếp.
Bà Phùng Thị Hiền, vợ ông Ngữ, cũng đồng tình với quan điểm của chồng. Bà cho biết, mặc dù nhà đông người nhưng mọi người sống với nhau rất hòa thuận.
Tất cả các thành viên trong gia đình đều tuân thủ theo các nguyên tắc mà bố mẹ đã đặt ra.
“Mọi việc trong gia đình đều được phân công rõ ràng. Ngày trước, tôi còn khỏe thì việc đi chợ do tôi đảm nhiệm. Tuy nhiên từ ngày sức khỏe yếu đi, việc đi chợ tôi giao lại cho các con dâu.
Mỗi con dâu sẽ đi chợ một tháng. Nếu tháng này chị dâu cả đi chợ thì em dâu phải dậy sớm nấu cơm để mấy anh chị em ăn và mang cơm đi làm. Anh, chị rửa bát thì vợ chồng em phải giặt và phơi quần áo …
Tiền phí sinh hoạt cũng được chia đều. Như vậy, anh em sẽ không có cảnh tị nạnh nhau.
6 năm trời kể từ ngày chuyển đến căn nhà này, chưa bao giờ tôi thấy anh em trai hay chị em dâu hục hoặc mâu thuẫn với nhau. Điều này khiến tôi thấy rất tự hào”, Bà Hiền khẳng định.
Chia sẻ về bí quyết chung sống hòa thuận, bà Hiền nói: “Trong gia đình tôi, mọi thức đều phải có nguyên tắc. Nếu ai cư xử chưa đúng, tôi sẽ góp ý thẳng thắn.
Trong nhà có 3 cháu nhỏ nhưng khi có sự cãi cọ, tranh chấp giữa các cháu về đồ chơi, những người lớn trong gia đình sẽ là người phân xử công bằng, không có chuyện thiên vị bất cứ cháu nào”.
Đối với bản thân, bà Hiền cũng tâm sự: “Ngày tôi về làm dâu, mọi thứ đều khó khăn. Chồng đi bộ đội, mình tôi ở với mẹ chồng (bố chồng của bà Hiền đã mất).
Bà cụ cũng yếu và khó tính nhưng là giáo viên, tôi luôn nhắc mình phải giữ gìn lời ăn tiếng nói và gương mẫu để các con học tập, mẹ chồng tin tưởng.
Bây giờ, ở cùng các con cũng vậy. Tôi luôn nghĩ, bố mẹ phải là người gương mẫu, phân công công việc và phân xử giữa các con rõ ràng, kinh tế sòng phẳng sẽ khiến gia đình êm ấm.
Quan trọng hơn nữa, tôi cho rằng, để có thể chung sống hòa thuận, tất cả mọi người phải cố gắng hòa hợp, chấp nhận lẫn nhau”.