Trung Quốc, thị trường xe hơi lớn nhất thế giới, đang trong lịch trình tiến tới dừng sản xuất và tiêu thụ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ấn Độ cũng đưa ra ý định sẽ sản xuất toàn bộ xe điện vào năm 2030.
Giống Anh và Pháp, hai thị trường này đang tìm cách từng bước cắt giảm tiêu thụ xe sử dụng xăng dầu trong vòng 20 năm tới.
Theo trang "The Conversation", các nhà sản xuất xe, ngành xăng dầu và nhiều chính phủ bắt đầu nhận thức được mức đột phá mà xe điện có thể mang lại.
Thậm chí các nhà sản xuất xe nhận ra rằng họ không thể để bị gạt ra khỏi những thị trường “béo bở” này. Trong số đó, các nhà sản xuất xe hàng đầu thế giới như Volvo, Jaguar, Land Rover, Volkswagen, Mercedes, Audi và BMW đều cam kết sẽ đưa ra các mẫu xe điện trong thập kỷ tới.
Sự chuyển hướng sang xe điện dường như là điều tất yếu và sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến việc làm, nền kinh tế dầu lửa và thậm chí cả hệ thống thuế các nước.
Trước hết, xét về ảnh hưởng toàn cầu của xu hướng phát triển xe điện đối với việc làm, sản xuất xe điện, gồm cả pin, nhìn chung sẽ yêu cầu nhân công ít hơn so với chế tạo xe chạy xăng dầu.
Do đó, theo Viện Kinh tế Info, việc cắt giảm xe động cơ đốt vào năm 2030 sẽ làm dư thừa khoảng 600.000 việc làm chỉ riêng ở Đức. Nhưng sự cắt giảm đó có thể lại là tin tốt lành đối với các nhà cung cấp cho thị trường Trung Quốc, Australia.
Mặc dù Toyota và các nhà sản xuất địa phương đã đóng cửa các cơ sở tại Australia, nhưng khi sản xuất xe điện dễ dàng hơn, quá trình sản xuất có thể được đơn giản hóa, tự động hóa thì sẽ tạo ra nhiều cơ hội sản xuất và kinh doanh mới cho các nhà đầu tư thức thời.
Hơn nữa, xét về sự cắt giảm tiêu thụ dầu hỏa, việc chỉ sản xuất xe điện vào năm 2030 sẽ gây ra áp lực ngân sách đáng kể đối với các nước chủ yếu sản xuất dầu mỏ và làm thay đổi bản đồ chính trị thế giới.
Nhà kinh tế học Tony Seba và các cộng sự tại trường Đại học Stanford, Mỹ thậm chí dự đoán mạnh dạn hơn về viễn cảnh của cách mạng xe điện và cho rằng việc ngừng sử dụng xe chạy xăng dầu sẽ diễn ra sớm hơn, chỉ vào khoảng những năm 2020.
Theo nghiên cứu mới được họ đưa ra, cung dầu sẽ đạt đỉnh ở mức 100 triệu thùng/ngày vào năm 2020 và giảm dần xuống còn 70 triệu thùng/ngày vào năm 2030, khiến cho các nước phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu như Venezuela, Nigeria, Saudi Arabia và Nga chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Các chuyên gia của Stanford cũng tuyên bố rằng địa chính trị của những chất dùng để sản xuất pin (yếu tố quyết định đối với xe điện) như lithium, cùng với ni-ken, cô-ban, ca-đi-mi là hoàn toàn khác biệt so với chính trị dầu lửa.
Mặc dù tiềm ẩn sự ngưng trệ nguồn cung nhưng lithium không đóng vai trò tối quan trọng đối với hoạt động của xe như vai trò của xăng dầu.
Họ lập luận rằng trong ngành xe điện, lithium là nguồn cần thiết nhưng chất này chỉ dùng để sản xuất pin, trong khi dầu hỏa là chất đốt trong của động cơ xe.
Việc khan hiếm lithium chỉ ảnh hưởng đến sản xuất ra xe mới, các xe đã sản xuất vẫn có thể hoạt động trong nhiều năm tiếp theo trong khi dầu hỏa là thiết yếu với cả xe đã sản xuất.
Cuối cùng, xét ảnh hưởng đối với ngân sách nhà nước, tới năm 2030, nguồn thu từ thuế xăng dầu sẽ giảm đi đáng kể, với sự chuyển dịch từ sở hữu cá nhân đối với xe chạy xăng dầu sang chia sẻ và sở hữu riêng hoàn toàn đối với “phi đội” xe điện.
Chính phủ các nước có ngân sách phụ thuộc vào nguồn thu dầu mỏ sẽ cần chuyển dịch sang đánh thuế đường xá theo kilomet di chuyển hoặc theo tình trạng tắc đường. Mô hình được nhóm của Tony Seba đưa ra cho thấy Mỹ sẽ bị giảm thu 50 tỷ USD từ thuế xăng dầu.
Thống kê tại Australia cũng đưa ra bức tranh tương tự.
Nghiên cứu cho thấy dưới tác động từ một số kịch bản tương lai về tính linh hoạt của sự chia sẻ phương tiện sở hữu, số lượng xe tổng thể có thể giảm tới mức còn khoảng 80%, nghĩa là nguồn thu từ phí đăng kiểm xe, thuế doanh thu, bảo dưỡng, bảo hiểm và bến bãi sẽ giảm.
Câu hỏi đặt ra là viễn cảnh của ngành xe điện và xe sử dụng xăng dầu sẽ như thế nào?
Mặc dù các mệnh lệnh về xe sử dụng xăng dầu được Trung Quốc và Ấn Độ đưa ra mới chỉ mang tính đại cương, nhưng cũng đã cho thấy sự dịch chuyển chính sách của chính phủ có thể tạo đà để xe điện trở nên phổ biến hơn.
Một số tập đoàn sản xuất xăng dầu lớn như BP, Shell có thể sẽ không thừa nhận “kỷ nguyên dầu hỏa” sắp tới hồi kết.
Có ý kiến cho rằng xe điện không phải là nhân tố tạo ra cách mạng bởi nhu cầu về dầu hỏa vẫn tiếp tục tăng tại các nước đang phát triển và sự cải tiến hiệu năng nhiên liệu đốt sẽ đưa lại lợi nhuận vượt trội hơn so với lợi nhuận mà ngành xe điện mang lại.
Mức độ rộng lớn của sự đột phá tiềm tàng khiến người ta rất khó dự đoán điều gì sẽ xảy ra, đặc biệt sự cộng hưởng và hội tụ của công nghệ lái tự động, xe điện và chia sẻ phương tiện có thể sẽ tạo ra cuộc cách mạng về hệ thống xe thân thiện với môi trường.
Thời gian tới, các nhà sản xuất xe hơi, các chính phủ và ngành dầu khí sẽ phải đưa ra các quyết định hết sức khó khăn và cần có sự chuẩn bị kỹ càng từ bây giờ. Hồi chuông cáo chung có thể chưa nhắm tới xe chạy xăng dầu ngay lúc này, nhưng ít nhất thời kỳ thống trị của loại xe này cũng đang đếm lùi từng năm.