Bà Angela Merkel sẽ làm gì sau khi kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng?

Hồng Anh |

Sau khi thủ tướng mới của nước Đức được bổ nhiệm, bà Merkel sẽ rời nhiệm sở. Từ một nhà lãnh đạo quốc gia thường xuyên có lịch trình làm việc kín mít từ sáng sớm đến đêm khuya, cuộc sống của bà sẽ có sự thay đổi như thế nào?

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: DW

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: DW

Thủ tướng Angela Merkel thích nấu súp khoai tây và làm bánh mận phết bơ. Đây là những món ăn đặc trưng của Đức vào mùa Thu. Nhưng trước mắt bà sẽ không có thời gian để thực hiện sở thích này. Sau cuộc bầu cử, bà Merkel sẽ tiếp tục đảm đương trọng trách đứng đầu đất nước cho đến khi chính phủ mới được thành lập.

Đọc sách và chợp mắt một chút

Trong chuyến thăm Washington DC vào tháng 7/2021, Thủ tướng Merkel nhận được câu hỏi rằng bà hình dung như thế nào về việc nghỉ hưu. Trước đây, bà thường tránh trả lời những câu hỏi như thế này, nhưng giờ, bà cho biết, trước tiên sẽ nghỉ ngơi và không chấp nhận bất cứ lời mời làm việc nào. Bà nói rằng, bản thân sẽ phải chấp nhận những công việc mình từng làm sẽ “do người khác làm”. “Tôi nghĩ tôi sẽ rất thích điều này”, bà Merkel chia sẻ.

Trong quãng thời gian nghỉ ngơi đó, bà Merkel cho biết, bà muốn làm về những điều thực sự khiến bà quan tâm. Suốt 16 năm làm lãnh đạo, bà có rất ít không gian và thời gian để làm điều đó. Nở nụ cười thân thiện, vị thủ tướng vừa được Đại học Johns Hopkins (Mỹ) trao bằng tiến sĩ danh dự nói thêm: “Có lẽ tôi sẽ cố gắng đọc một cái gì đó, rồi mắt tôi sẽ bắt đầu nhắm lại vì mệt mỏi và tôi sẽ chợp mắt một chút".

Andreas Mühe - một nhiếp ảnh gia và David Safier - một tiểu thuyết gia đã đưa ra những góc nhìn khác nhau về giai đoạn nghỉ hưu của bà Merkel. Andreas Mühe đã chụp được những tư thế yên bình nhưng có phần cô đơn của Thủ tướng Merkel trong một cuộc triển lãm. Còn nhà văn David Safier cho rằng, nếu không có lịch trình làm việc dày đặc, bà sẽ nhanh chóng buồn chán. Trong cuốn tiểu thuyết trinh thám Miss Merkel, nhà văn David Safier viết rằng, cựu thủ tướng phải nỗ lực làm quen với cuộc sống nông thôn yên bình sau khi chuyển đến nơi nghỉ dưỡng ở Brandenburg. Việc đi dạo và nướng bánh không thể khiến bà bận rộn quá lâu.

Liệu một người từng gánh vác trọng trách to lớn trong nhiều thập kỷ, với lịch làm việc từ sáng sớm đến tối khuya, có thể dễ dàng quen với cuộc sống bình thường hay không? “Bạn chỉ nhận ra những gì bạn sẽ bỏ lỡ khi không còn nó nữa”, bà Merkel chia sẻ trong một sự kiện gần đây ở Berlin.

Không phải lo lắng về tài chính

Angela Merkel bước sang tuổi 67 vào ngày 17/7. Khi nghỉ hưu, bà không cần phải lo lắng về tài chính. Trên cương vị thủ tướng, bà có thu nhập khoảng 25.000 euro (tương đương 29.000 USD) mỗi tháng. Bà còn nhận được 11.686 USD cho vai trò là thành viên Quốc hội Đức – công việc mà bà đã làm trong hơn 30 năm. Khi rời nhiệm sở, bà Merkel sẽ tiếp tục nhận nguyên lương trong 3 tháng và sau đó sẽ nhận khoản trợ cấp bằng một nửa lương trong thời gian tối đa 21 tháng.

Khoản lương hưu sau đó sẽ được tính dựa trên số năm làm việc với các vị trí mà bà đã đảm nhận từ bộ trưởng, thành viên quốc hội đến thủ tướng. Bà Merkel sẽ được hưởng nhiều lợi thế vì có thời gian phục vụ rất dài.

Theo Đạo luật Bộ trưởng Liên bang Đức năm 1953, sau tối thiểu 4 năm tại vị, các thủ tướng được hưởng 27,74% mức lương trước đó của họ. Cứ thêm một năm tại vị, mức này sẽ tăng thêm 2,39% và lên đến đến mức tối đa là 71,75%. Như vậy, Thủ tướng Merkel có thể hoàn toàn yên tâm với khoản lương hưu khoảng 15.000 euro/1 tháng. Ngoài ra, bà còn được đảm bảo an ninh cá nhân và có xe đưa đón trong suốt quãng đời còn lại của mình. Bà cũng có quyền sở hữu một văn phòng trong khuôn viên của Quốc hội Đức ở Berlin với một quản lý văn phòng, hai cố vấn và một thư ký.

Khả năng theo đuổi công việc khác?

Theo luật của Đức, các cựu quan chức chính phủ buộc phải giữ bí mật liên quan đến công việc họ từng làm. Nhưng ngay cả khi không được phép tiết lộ bất cứ bí mật nào, họ vẫn có thể nổi tiếng trong giới kinh doanh với vai trò là nhà tư vấn, một phần nhờ mối quan hệ chính trị rộng rãi của mình. Một số người tiền nhiệm của Angela Merkel đã chuyển sang làm việc trong lĩnh vực tư nhân.

Sau khi rời nhiệm sở vào năm 1982, cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt, đã trở thành đồng chủ nhiệm của tuần báo "Die Zeit" và là một diễn giả nổi tiếng. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2012, ông cho biết: “Tôi đã đặt ra quy tắc cho bản thânlà không được thuyết trình với giá dưới 15.000 USD”.

Còn các cựu thủ tướng khác như Helmut Kohl và Gerhard đã tìm cách kiếm bộn tiền từ kinh nghiệm chính trường và sự nổi tiếng của mình. Ông Kohl đã thành lập một công ty tư vấn chính trị và chiến lược, thu về nhiều khoản tiền lớn với vai trò nhà tư vấn và vận động hành lang.

Trái lại, cựu Thủ tướng Gerhard Schröder đã đối mặt với một loạt rắc rối vào năm 2005, chỉ vài tháng sau khi rời ghế thủ tướng. Ông được thuê làm cố vấn cho công ty điều hành dự án Nord Stream – công ty con của tập đoang Gazprom. Ông Schröder đã ủng hộ dự án đường ống này khi ông còn là thủ tướng.

Tại Đức, có điều luật quy định, trước khi chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân, các cựu quan chức chính phủ phải tham vấn người đứng đầu đất nước để xem liệu công việc của họ có “gây tổn hại đến lợi ích đất nước cộng đồng” hay không. Một ủy ban đạo đức sẽ tham vấn cho chính phủ và thời gian chờ đợi có thể kéo dài 18 tháng trong trường hợp có nghi ngờ.

Cho đến nay vẫn chưa rõ bà Merkel có ý định theo đuổi một công việc mới hay không? Nhưng trước mắt có khả năng bà sẽ ở lại Berlin sau khi nghỉ hưu. Chồng bà, nhà hóa học lượng tử Joachim Sauer, 72 tuổi, vẫn chưa có ý định dừng công việc của ông. Mặc dù là giáo sư danh dự tại Đại học Humboldt của Berlin, ông Joachim Sauer vẫn kéo dài hợp đồng với tư cách là nhà nghiên cứu cấp cao, ít nhất là cho đến năm 2022./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại