Tuyến đường nối cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống được khởi công vào tháng 10/2013 và khánh thành vào tháng 5/2018. Đường có tổng mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Úc, vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Tuyến đường dài 21,45 km đi qua địa phận huyện Cao Lãnh, Thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp.
Đường nối cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6 m gồm bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, tốc độ thiết kế là 80 km/h.
Theo quyết định số 1454/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký năm 2021, tuyến đường này sẽ được nâng cấp thành đường cao tốc 6 làn xe thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía tây.
Tuyến đường kết nối với 2 cây cầu, bắc qua sông Tiền và sông Hậu - 2 con sông lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, giúp cho giao thông ở cả vùng trở nên thuận tiện hơn. Trong ảnh là cầu Cao Lãnh với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.
Cầu Cao Lãnh có chiều dài 2014 m, trong đó nhịp chính dài dài 350 m; chiều cao thông thuyền 37,5 m, trụ tháp chính hình chữ H cao 123,4 m. Các trụ cầu chính được đặt trên hệ móng cọc khoan nhồi đường kính 2,5 m sâu từ 85 đến 120 m.
Cầu rộng 24,5 m gồm bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, nối liền huyện Lấp Vò và thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Cầu Vàm Cống nối bắc qua sông Hậu, nối liền huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) với quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ). Cầu có tổng mức đầu tư 5.700 tỷ đồng và đang là cây cầu có giá trị lớn nhất miền Tây.
Cầu Vàm Cống dài 2,97 km, được khởi công vào tháng 9/2013 và hoàn thành vào tháng 5/2019. do xây dựng trên nền đất yếu của đồng bằng sông Cửu Long, cầu Vàm Cống được thiết kế hệ cọc khoan nhồi với đường kính 2,5 m và sâu đến 116 m. Trụ tháp cầu Vàm Cống cao 150 m và là trụ cầu cao nhất cả nước.
Cầu rộng 24,5m bao gồm 4 làn xe ô tô và 2 làn xe thô sơ. Đường dẫn vào cầu rộng 20,6m. Tốc độ thiết kế 80 km/h. Chia sẻ trên trang web của Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Dương - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết từ khi cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống hoàn thành, địa phương đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và phát triển từng ngày. Hai cây cầu bắc qua sông Tiền, sông Hậu là mơ ước bao đời của bà con nhân dân, đánh thức tiềm năng không riêng gì Đồng Tháp mà cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Khi giao thông thuận tiện thì hàng hóa nông sản của người dân được vận chuyển nhanh hơn, tỏa đi nhiều địa phương khác.
Bản đồ tuyến đường nối cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống. Ảnh: Google map.