Cuộc đua lên Mặt Trăng trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21 bắt đầu nóng lên với sự kiện gây ngỡ ngàng giới thiên văn học thế giới: Trung Quốc lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại đổ bộ thành công tàu thăm dò Chang'e-4 lên nửa tối Mặt Trăng ngày 3/1/2019.
Sứ mệnh Chang'e-4 (Hằng Nga 4) của Trung Quốc tựa như phát súng khai mở cuộc đua lên Mặt Trăng mới trong thế kỷ 21, buộc Mỹ và Nga (dù đã rục rịch trước đó) phải chính thức bước vào màn so tài của công nghệ vũ trụ và chi phí vô cùng đắt đỏ.
Trong khi Nga loay hoay với những kế hoạch còn dang dở trong sứ mệnh chinh phục Mặt Trăng (đọc chi tiết), thì mới đây nhất, Mỹ lên tiếng về một kế hoạch thể hiện quyền lực của một cường quốc vũ trụ hàng đầu thế giới.
"Cũng giống như việc Mỹ là quốc gia đầu tiên trong lịch sử nhân loại đưa người đổ bộ Mặt Trăng trong thế kỷ 20, chúng ta cũng sẽ lập lại kỳ tích ấy, sẽ là quốc gia đầu tiên đưa phi hành gia trở lại Mặt Trăng trong thế kỷ 21 này." - Đó là lời tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong cuộc họp thứ năm của Hội đồng Vũ trụ Quốc gia ngày 26/3/2019.
Phó Tổng thống Mike Pence phát biểu khai mạc trong cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Vũ trụ Quốc gia, ngày 5/10/2017 tại Trung tâm Steven F. Udvar-Hazy của Bảo tàng Hàng không Quốc gia Smithsonian ở Chantilly, bang Virginia. Ảnh: NASA
Phát biểu tại Trung tâm tên lửa và vũ trụ Mỹ ở Huntsville, bang Alabama, Phó Tổng tống Mỹ công bố kế hoạch của chính quyền Tổng thống Trump về sứ mệnh sẽ tái đổ bộ Mặt Trăng trong 5 năm nữa (vào năm 2024), sớm hơn 4 năm so với mục tiêu năm 2028 của NASA.
The Verge cho biết, ngay từ khi đắc cử vị trí tổng thống Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã rất rõ ràng về mong muốn "trở lại Mặt Trăng là ưu tiên số 1 của Mỹ". Không chỉ nói suông, vào tháng 12/2017, ông Trump đã ký chỉ thị chính sách vũ trụ đầu tiên của mình, hướng NASA thực hiện kế hoạch mà chưa một quốc gia nào thực hiện được tính cho đến nay.
Tuy nhiên, NASA lại có chút ngần ngại về mốc thời gian 2024 và cho rằng chứng ấy thời gian không đủ để Mỹ hoàn thành kế hoạch đổ bộ Mặt Trăng thành công mỹ mãn và hứa hẹn sẽ thực hiện vào năm 2028: Đưa người sinh sống vĩnh viễn trên vệ tinh này.
Động thái mới nhất của chính quyền Trump cho thấy quyết tâm cao độ của Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc vũ trụ với rất nhiều tham vọng trên vệ tinh lớn nhất của Trái Đất như: Khai thác mỏ Helium-3 cực kỳ đắt đỏ và quý hiểm tại đây; cũng như xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng rồi dần dần đưa người "thuộc địa hóa" trong những năm 2020.
Tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng gián tiếp thúc giục NASA dồn hết sức cho sứ mệnh thế kỷ nhằm nhanh chóng làm lu mờ "màn lột xác ngoạn mục của ngành vũ trụ Trung Quốc đầu thế kỷ 21".
Cho đến nay, Mỹ là quốc gia duy nhất đưa người đổ bộ thành công lên bề mặt Mặt Trăng. Nguồn: NASA/BBC
Năm 2019 là thời điểm kỷ niệm tròn 5 thập kỷ kể từ khi phi hành đoàn Apollo 11 gồm 3 phi hành gia Neil Armstrong, Edwin Aldrin Jr. và Michael Collins đặt những bước chân của con người đầu tiên lên Mặt Trăng vào ngày 16/7/1969.
Chưa hết, năm 2024 - thời điểm Mỹ muốn trở lại Mặt Trăng - cũng là năm có thể Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) ngừng hoạt động. Chính quyền Trump tuyên bố, không muốn "gánh" quá nhiều chi phí cho ISS (hơn một nửa hoạt động của ISS do Mỹ chi, khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm).
Thay vào đó, với chính sách "Nước Mỹ trên hết", ông Trump muốn dành toàn bộ công sức và tiền bạc cho các sứ mệnh mang đậm dấu ấn của riêng người Mỹ, và kế hoạch tái đổ bộ Mặt Trăng là một trong số đó.
Hẳn nhiên, chính quyền của ông Trump sẽ làm hết sức cho kế hoạch này, cụ thể là gì?
Bất chấp những khó khăn, chính quyền Tổng thống Trump muốn nhanh chóng hiện thực hóa sứ mệnh Mặt Trăng năm 2024.
Trong bài phát biểu của mình, ông Mike Pence đã dẫn lại khát vọng của Tổng thống John F. Kennedy, người đã có tuyên bố táo bạo tương tự về một nước Mỹ lần đầu tiên xây dựng kế hoạch đưa người đổ bộ Mặt Trăng mà không có bất kỳ sự ủng hộ nào.
"Một số người sẽ nói rằng trở lại Mặt Trăng vào năm 2024 là quá khó, quá rủi ro và quá đắt đỏ*. Thế nhưng, những nỗi lo sợ này cũng đã được nói vào năm 1962, để rồi, 7 năm sau chúng ta đã làm nên kỳ tích, và khiến cả thế giới phải nể phục!
Kể từ khi sứ mệnh Apollo 11 kết thúc, chúng ta đã tạo ra những đột phát đáng kinh ngạc trong công nghệ vũ trụ, cho phép người Mỹ tiến xa hơn, ít rủi ro hơn trong hành trình chinh phục không gian." - Ông Mike Pence "phát biểu thay mặt Tổng thống" hôm 26/3/2019.
Bằng chứng là NASA đang phát triển Hệ thống phóng không gian (SLS) cho phép thám hiểm không gian sâu. Mặc dù, báo cáo của NASA cho rằng SLS vấp phải các khó khăn khiến SLS chưa sẵn sàng để đưa người trở lại Mặt Trăng năm 2024 thì Phó Tổng thống Mỹ một mặt làm "công tác tư tưởng" cho NASA, mặt khác còn tăng ngân sách cho cơ quan này lên đáng kể - 21 tỷ USD!
"NASA cần phải làm quen với tư duy mới. Đó là bắt đầu với việc thiết lập các mục tiêu táo bạo hơn, lớn hơn và phải làm hết sức để không chậm tiến độ, không trì hoãn hơn nữa. Để đến được Mặt Trăng trong 5 năm nữa, chúng ta phải chọn ra mục tiêu trên Mặt Trăng. Đó chính là cực nam của Mặt Trăng, nơi được cho là có giá trị kinh tế (chứa nguồn khoáng sản cực giàu có) và chiến lược lớn (có thể làm "trạm xăng không gian" để khám phá không gian sâu). (Đọc chi tiết)
Giám đốc NASA Jim Bridenstine nói rằng, không chỉ phát triển SLS, NASA đang phát triển thế hệ tàu vũ trụ Orion, dự kiến sẽ sẵn sàng cho chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2020.
Một kết xuất nghệ thuật của dự án Gateway của NASA. Ảnh: NASA
Với quyết tâm của chính quyền Trump, NASA khó mà từ chối. Thời gian tới chắc chắn sẽ phải làm việc hết sức nghiêm túc và cật lực. Trả lời yêu cẩu của Phó Tổng thống, giám đốc NASA nói rằng: "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để hiện thực hóa sứ mệnh kịp tiến độ."
CNN dẫn lời ông Mike Pence cho hay, ông cũng đặt ra các ưu tiên của chính quyền Trump trong việc thành lập Bộ chỉ huy Vũ trụ Mỹ để "đáp ứng các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng trong lĩnh vực chiến tranh không gian."
Cũng trong ngày 26/3, Tổng thống Donald Trump đã đề cử Tướng Không quân John Raymond lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vũ trụ Mỹ, điều này cũng được ông Mike Pence xác nhận trong bài phát biểu của mình.
Bộ Tư lệnh Vũ trụ Mỹ là một phần trong yêu cầu ngân sách quốc phòng năm 2020 của chính quyền Trump trước Quốc hội. Bộ sẽ thuộc Không quân và có mối quan hệ gần giống với mối quan hệ của Thủy quân Lục chiến Mỹ với Bộ Hải quân.
Cũng trong bài phát biểu của mình, Phó Tổng thống Mike Pence đề cập đến sự lớn mạnh của ngành vũ trụ Trung Quốc sau khi Chang'e-4 khiến cả thế giới bất ngờ.
Tham vọng của Trung Quốc cũng rất lớn, nước này không chỉ độ bộ nửa tối Mặt Trăng mà còn muốn đưa người lên vệ tinh này sinh sống, biến Mặt Trăng thành "mỏ không gian" để tận dụng khai thác và thực hiện các sứ mệnh không gian sâu hơn nữa.
Do đó, đối với chính quyền tổng thống Mỹ đương nhiệm, "Mỹ khát khao đưa người tái đổ bộ Mặt Trăng trước Trung Quốc", để không chỉ bảo vệ danh hiệu nước đầu tiên đưa người đặt chân lên Mặt Trăng (ở 2 thế kỷ 20 và 21) mà còn dẫn đầu trong quá trình khai thác nguồn khoáng sản giàu có trên vệ tinh này.
Cuộc đua lên Mặt Trăng thế kỷ 21 nhờ thế mà "nóng" hơn bao giờ hết!
Trước đó, kế hoạch của NASA gồm:
- Năm 2024: Đưa tàu tự hành lên Mặt Trăng
- Năm 2026: Xây dựng trạm không gian nhỏ có tên Gateway trên quỹ đạo Mặt Trăng
- Năm 2028: Đưa người đổ bộ Mặt Trăng
Chú thích:
*Apollo là chương trình đổ bộ Mặt Trăng có người lái của NASA. Kéo dài hơn 10 năm (từ năm 1961 đến 1972), Apollo program tiêu tốn khoảng 24 tỷ USD, tương đương hơn 100 tỷ USD năm 2016, với những đóng góp to lớn của 400.000 kỹ sư, nhà khoa học, kỹ thuật viên tài năng.
Bài viết sử dụng các nguồn: CNN, The Verge, Dailymail