Mặc dù từng gây được ấn tượng ở Olympic 1936 khi thắng Thụy Điển hay Olympic 1968 khi vượt qua Brazil và Pháp trên đường giành HCĐ, thế nhưng đội tuyển Nhật Bản vẫn gần như chỉ là con số 0.
Trong giai đoạn thập niên 60 và 70, bóng đá trở nên nổi tiếng hơn ở Nhật Bản. Tuy vậy, mối quan tâm với Asian Cup không có gì đặc biệt.
Không vượt qua vòng loại Asian Cup 1968 nhưng trước và sau đấy, đội tuyển Nhật Bản đều rút lui. Asian Cup đầu tiên diễn ra vào năm 1956 và đến năm 1984, họ đã rút lui tổng cộng 6 lần trước khi trở lại vào năm 1988.
Việc vượt qua vòng loại năm đó đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên của Nhật Bản tại Asian Cup và thật khó tin là chỉ trong 30 năm qua, họ giờ đã trở thành người khổng lồ của châu lục.
Truyện tranh Tsubasa một thời là cảm hứng cho các cầu thủ
Mọi chuyện đã thay đổi với Nhật Bản vào đầu những năm 1990 khi họ quyết định thành lập giải vô địch chuyên nghiệp - J.League, nhằm cải thiện lối chơi và tăng cường sức mạnh cho ĐTQG, đồng thời cũng để thu hút sự quan tâm của người hâm mộ.
J.League ra đời năm 1993 nhưng bệ phóng cho bóng đá Nhật Bản chính là Asian Cup lần thứ 10 tại Hiroshima 1 năm trước đó. Thành công ở giải đấu này giúp người Nhật Bản tự tin và lạc quan hơn khi quyết định thành lập J.League.
Ngoài Nhật Bản còn có ĐKVĐ Saudi Arabia và 6 đội vượt qua vòng loại, ở lần đầu tiên Asian Cup có 8 đội tham dự chia thành 2 bảng, trong đó bảng A gồm Nhật Bản, UAE, Iran và Triều Tiên; bảng B gồm Saudi Arabia, Trung Quốc, Qatar và Thái Lan.
Đội chủ nhà mở màn hòa 0-0 với UAE, đội bóng đã tham dự World Cup cách đó 2 năm, rồi hòa 1-1 với Triều Tiên và chính trận hòa này mang lại rất nhiều sự tự tin các cầu thủ Nhật Bản trước 90 phút quyết định sau đó.
Huyền thoại Miura
Trong khi Iran chỉ cần một kết quả hòa là cùng UAE lọt vào bán kết, Nhật Bản phải thắng. Vào thời điểm này, Iran đã là một trong những đội bóng mạnh nhất châu Á.
Sân Big Arch chật kín khán giả đến cổ vũ cho đội bóng áo xanh. Sau hiệp 1 diễn ra khá cân bằng, lợi thế đã nghiêng về đội chủ nhà khi Iran mất cầu thủ Jamshid Shahmohammadi vì nhận 2 thẻ vàng. Tình thế này càng buộc đội bóng Tây Á kéo đội hình xuống thấp hơn nhằm tìm kiếm một trận hòa.
Ngược lại, Nhật Bản tấn công không mệt mỏi nhưng vẫn không thể xuyên thủng hàng phòng ngự đối phương. Tuy nhiên, những khoảnh khắc quyết định được tạo ra bởi những cầu thủ lớn và trong lịch sử bóng đá Nhật Bản, không cầu thủ nào lớn hơn Kazuyoshi Miura.
Một sân ở Nhật Bản
3 phút trước khi trận đấu kết thúc, Miura ghi bàn thắng duy nhất, một tình huống khiến các cầu thủ Iran mất kiểm soát. Lần lượt Nader Mohammadkhani và Farshad Pious nhận thẻ đỏ, để rồi họ rời sân chỉ với 8 cầu thủ cùng nỗi hổn thẹn.
Đối với Nhật Bản, thắng lợi này đã tạo ra bước ngoặt lớn cho những hi vọng tại Asian Cup. 3 ngày sau, họ vượt qua Trung Quốc với màn rượt đuổi tỉ số và kết thúc bằng thắng lợi 3-2, trong đó bàn thắng quyết định được Masashi Nakayama ghi ở phút 84.
Lần đầu tiên Nhật Bản góp mặt trong trận chung kết và đối thủ của họ không ai khác là ĐKVĐ Saudi Arabia.
Trước 60.000 khán giả, Nhật Bản đẩy nhanh tốc độ trận đấu lên ngay từ phút đầu, kiểm soát diễn biến và nhịp độ. Đến phút 36, Takuya Takagi mở tỉ số và lợi thế này được giữ vững đến hết trận đấu.
Thắng lợi của thầy trò Hans Ooft đã đưa Nhật Bản trở thành một quyền lực mới và với việc J.League ra đời 1 năm sau, thành công giúp bóng đá nước này nhận được sự cổ vũ rất lớn của người hâm mộ.
Nhắc lại câu chuyện của bóng đá Nhật Bản để liên hệ với bóng đá Việt Nam, với thành công đang có ở Asian Cup 2019 cũng như năm 2018 với 3 giải đấu rất thành công từ VCK U23 Châu Á đến ASIAD rồi AFF Cup thì đây chính là cơ hội để làm lại hệ thống giải chuyên nghiệp, nâng tầm cả nền bóng đá.
Cần phải học người Nhật, khi biết biến chiến thắng thành cơ hội làm một cuộc cách mạng sâu rộng và vươn lên hàng đầu châu lục.