Theo đó, kẻ gian lợi dụng thông tin cá nhân là số điện thoại hoặc Apple ID của đối phương để tiến hành lừa đảo. Thủ đoạn của chúng rất đơn giản nhưng đã có nhiều người sập bẫy.
Phương thức lừa đảo qua FaceTime
Bước 1: Kẻ lừa đảo gửi lời mời FaceTime, giả mạo là nhân viên hỗ trợ của một nền tảng nào đó, thông báo rằng tài khoản tài chính của nạn nhân gặp vấn đề và nếu không xử lý kịp thời sẽ bị trừ tiền hoặc ảnh hưởng đến tín dụng; khiến nạn nhân hoảng loạn.
Bước 2: Hướng dẫn nạn nhân tham gia các cuộc họp video trực tuyến và yêu cầu chia sẻ màn hình, hoặc hướng dẫn nạn nhân truy cập vào các trang web lạ để liên hệ với đội "hỗ trợ trực tuyến".
Bước 3: Lừa nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định hoặc hướng dẫn nạn nhân vay tiền từ ngân hàng hoặc các nền tảng cho vay trực tuyến khác với lời hứa sẽ hoàn trả sau khi xác minh.
Sau khi nạn nhân hoàn tất chuyển khoản, ID FaceTime ngay sau đó sẽ bị chặn.
Apple và cảnh sát cảnh báo người dùng tắt ngay FaceTime để tránh lừa đảo
Trước tình hình ngày càng nhiều người dùng iPhone bị lừa đảo, cảnh sát Hàng Châu đã đưa ra cảnh báo nóng đến người dùng rằng nên tắt hoàn toàn tính năng FaceTime để phòng tránh rủi ro.
Chưa hết, ngày 28/10 vừa qua, đại diện bộ phận chăm sóc khách hàng của Apple cũng xác nhận với truyền thông Trung Quốc rằng nickname hiển thị trên FaceTime chính là tên được thiết lập trong tài khoản Apple ID của người dùng. Điều này đồng nghĩa với việc kẻ xấu có thể dễ dàng thay đổi tên hiển thị để giả mạo người quen, tạo lòng tin với nạn nhân. Đại diện của Apple cũng nhấn mạnh rằng Apple không liên hệ với người dùng cá nhân qua FaceTime. Do đó, người dùng nên cân nhắc tắt tính năng nếu không sử dụng thường xuyên.
Trong trường hợp cần dùng, Apple khuyến cáo người dùng không nên trả lời các cuộc gọi FaceTime từ người lạ.
Để tắt tính năng FaceTime, chỉ cần làm theo 3 bước sau: Mở Cài đặt (Settings) > Chọn FaceTime > Tắt FaceTime.