Apple đã nhẫn tâm “khai tử” những gì trước sự chứng kiến của hàng triệu người trên khắp thế giới?

VH |

Vẫn biết quy luật đào thải không chừa bất cứ thứ gì, nhưng chứng kiến sự ra đi của chúng vẫn để lại cho chúng ta cảm giác hụt hẫng, bâng khuâng.

Sự kiện của Apple đã kết thúc với sự ra mắt của bộ ba iPhone XR, iPhone XS và iPhone XS Max cùng chiếc Apple Watch Series 4. 

Bên cạnh niềm vui hân hoan chào đón những thành viên mới của đại gia đình Apple, iFan cũng không khỏi ngậm ngùi khi phải chứng kiến sự ra đi của một loạt những sản phẩm, những tính năng đã gắn bó với họ đủ lâu để tạo ra những kỷ niệm đẹp đẽ nhất.

iPhone SE, iPhone 6s, iPhone 6s Plus, iPhone X

Apple đã nhẫn tâm “khai tử” những gì trước sự chứng kiến của hàng triệu người trên khắp thế giới? - Ảnh 1.

Có một điều phải công nhận, không hãng nào có sản phẩm giữ được độ "hot" lâu như Apple. Bộ đôi iPhone 6s/6s Plus dù ra mắt từ năm 2015 nhưng vẫn luôn nằm trong top những sản phẩm bán chạy nhất của Apple, còn iPhone SE thì có một vị trí đặc biệt trong trái tim một bộ phận người dùng thích smartphone màn hình nhỏ. 

Tuy nhiên, với sự ra mắt của thế hệ iPhone 2018, iFan chợt nhớ lại sự thật phũ phàng rằng cuộc chơi nào cũng phải đến lúc tàn, và giờ là lúc họ phải chia tay những chiếc điện thoại nay đã 3 năm tuổi.

Với iPhone X, câu chuyện hơi khác một chút. Là chiếc điện thoại với thiết kế hoàn toàn mới của Apple sau nhiều năm, không quá khi nói rằng iPhone X đã mở ra một chương mới cho thị trường smartphone đã quá bão hòa với trào lưu "tai thỏ" cùng màn hình không viền, biến mức giá nghìn đô trở thành "chuyện thường ngày ở huyện".

 iPhone X cũng góp phần đưa Apple đi vào lịch sử khi trở thành công ty Mỹ đầu tiên có giá trị vốn hóa nghìn tỷ đô, củng cố vị thế công ty đắt giá nhất thế giới. Với những "thành tích" ấy, việc iPhone X bị khai tử chỉ sau một năm xuất hiện, tuy hợp lý, vẫn là một nỗi buồn "không hề nhẹ".

Apple đã nhẫn tâm “khai tử” những gì trước sự chứng kiến của hàng triệu người trên khắp thế giới? - Ảnh 2.

Với sự ra mắt của iPhone XS, iPhone X không còn lý do để tồn tại nữa. Nếu giữ nguyên giá, người dùng tất nhiên sẽ chọn iPhone XS với nhiều cải thiện mới nhưng giá không đổi. 

Nếu giảm giá, iPhone X sẽ cạnh tranh trực tiếp với những anh em khác của mình như iPhone 8/8 Plus và cả iPhone XR, phiên bản giá rẻ dùng màn LCD. Không còn cách nào khác, Apple buộc phải khai tử iPhone X.

Jack tai nghe 3.5mm

Cuộc chiến không có hồi kết của Apple với việc "tiêu chuẩn hóa" những công nghệ được mọi người trên khắp thế giới sử dụng đã bước sang một giai đoạn mới: Gã khổng lồ xứ Cupertino không còn bán bất kỳ chiếc điện thoại nào với jack tai nghe 3.5mm nữa, và iPhone 2018 sẽ không còn tặng kèm "dongle" chuyển đổi 3.5mm sang Lightning.

Apple đã nhẫn tâm “khai tử” những gì trước sự chứng kiến của hàng triệu người trên khắp thế giới? - Ảnh 3.

Theo Apple, jack tai nghe khiến không gian bên trong máy bị lãng phí. Với triết lý càng mỏng nhẹ càng tốt, Apple sẵn sàng loại bỏ bất kỳ tính năng nào, ngay cả khi chúng được nhiều người yêu mến và sử dụng thường xuyên, chứ không bao giờ làm cho sản phẩm của mình lớn hơn (dù điều đó đồng nghĩa với viên pin dung lượng lớn hơn, điều mà bất kỳ người dùng nào cũng "thèm khát").

Giải pháp thay thế của Apple, tai nghe không dây AirPod đã bán được hàng triệu, hàng chục triệu chiếc, nhưng đó vẫn chưa phải là lựa chọn tối ưu vì a) chúng khá đắt, b) chúng rất dễ bị bỏ quên và c) chúng cần phải sạc thường xuyên. Tai nghe Lightning có dây của Apple thì không bền chút nào – tình trạng chung của phụ kiện của Apple.

Phím Home và Touch ID

Với sự ra mắt của iPhone X cùng thiết kế không viền màn hình mới, một thứ "to lớn" như phím Home tất nhiên sẽ không còn chốn dung thân.

 Thay thế bằng các cử chỉ vuốt, Apple đã chứng minh cho chúng ta thấy phím Home cũng chẳng quá quan trọng, nó chỉ tồn tại vì Apple cần chỗ để đặt cảm biến vân tay mà thôi. Nhưng với Face ID, cảm biến vân tay cũng chẳng còn cần thiết nữa.

Apple đã nhẫn tâm “khai tử” những gì trước sự chứng kiến của hàng triệu người trên khắp thế giới? - Ảnh 4.

Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2013 trên chiếc iPhone 5s, Touch ID đã giúp cho việc mở khóa màn hình điện thoại – công việc mà trung bình mỗi ngày chúng ta làm hàng trăm lần – trở nên bớt khổ sở hơn. Không còn "slide to unlock" rồi ấn số 0 bốn lần mỗi khi đứa bạn muốn mượn điện thoại nữa, chỉ một chạm là đủ.

Sau 5 năm, Apple nhận thấy phương thức bảo mật này không còn "hợp thời" nữa, và nếu bạn xét việc ngay cả những smartphone giá rẻ ngày nay cũng được trang bị cảm biến vân tay, quan điểm của Apple cũng có phần hợp lý. 

Face ID, công nghệ nhận diện khuôn mặt quét 3D hồng ngoại đã ra mắt cùng với iPhone X vào năm ngoái, và tuy nó vẫn còn nhiều bất cập – anh em, chị em sinh đôi cũng có thể mở khóa, bị qua mặt bởi mặt nạ, nhiều khi không nhận dạng được chủ nhân – Apple vẫn muốn đưa nó lên mọi sản phẩm có thể trong tương lai. 

Không đi theo hướng của một số hãng Android khác tích hợp nhiều hơn một phương thức bảo mật sinh trắc học, Apple quyết định Touch ID phải ra đi.

Vĩnh biệt nhé, cái-nút-nhỏ-tròn-tròn-nhưng-đầy-ma-thuật. Đợi vài năm nữa, Face ID sẽ xuống "bầu bạn" cùng, nhé.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại