Cuối năm 2017, Apple đã liên tục gặp phải rắc rối khi nhiều người dùng phát hiện ra rằng công ty đang cố tình làm chậm những chiếc iPhone cũ có tuổi thọ pin đã xuống cấp.
"Táo khuyết" sau đó đã thừa nhận rằng họ cố tình làm điều này trong bản cập nhật iOS mới, nhưng là để tránh việc iPhone bị tắt đột ngột do pin chai và "đem lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, bao gồm hiệu suất tổng thể và kéo dài tuổi thọ pin của thiết bị".
Mặc dù vậy, hành động của Apple đã bị rất nhiều người chỉ trích và cho rằng đó là hành vi gian lận, được nhà sản xuất thực hiện để "bắt ép" người dùng phải mua điện thoại mới và đắt tiền hơn.
Sự phản đối này đã buộc Táo khuyết phải triển khai chương trình thay pin với giá 29 USD, đồng thời tung ra bản cập nhật iOS mới để loại bỏ giới hạn về hiệu năng cho iPhone cũ.
Ngoài việc bị người dùng phàn nàn, Apple thậm chí còn bị cơ quan chính phủ của các nước khởi kiện.
Trong đó, Tổng cục Cạnh tranh, Tiêu dùng và Phòng chống gian lận (DGCCRF) của Pháp cũng đã bắt đầu điều tra các hành vi của Apple kể từ năm 2018 theo yêu cầu của hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Halt Planned Obsolescence (HOP).
Cuộc điều tra này hiện đã kết thúc và Apple phải nộp phạt 25 triệu Euro vì cố tình làm chậm iPhone cũ của người dùng.
Bên cạnh đó, công ty cũng buộc phải chạy biểu ngữ (banner) trên website tại Pháp trong 30 ngày tới, nói rằng họ đã phải nộp phạt cho cơ quan pháp luật vì hành vi kinh doanh lừa đảo của mình khi cố tình làm chậm iPhone cũ.
Apple cho biết họ đồng ý với mức phạt của DGCCRF để tránh bị hầu tòa, đồng thời chia sẻ thêm "Mục tiêu của chúng tôi luôn là tạo ra các sản phẩm an toàn được khách hàng đánh giá cao, quan trọng nhất là làm cho những chiếc iPhone tồn tại càng lâu càng tốt".
Theo báo cáo, khoản tiền phạt trên chỉ tương đương với khoảng 1 USD cho mỗi chiếc iPhone bị ảnh hưởng được bán ra ở Pháp.