APEC 2023 “nóng” cuộc đua cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ - Trung

Thu Hoài/ VOV1 |

Cuộc đua giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng tại châu Á-Thái Bình Dương đã làm nóng Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra tại San Francisco, Mỹ.

Sau cuộc gặp trực tiếp kéo dài 4 giờ, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều gửi đi thông điệp về cam kết quản lý căng thẳng một cách có trách nhiệm và hành động vì sự phát triển chung của toàn khu vực.

APEC 2023 “nóng” cuộc đua cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau ở Bali, Indonesia tháng 11/2022. Ảnh: AFP.

Phát biểu tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30, Tổng thống Joe Biden đã gửi đi thông điệp rõ ràng về vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực, trong bối cảnh rủi ro toàn cầu gia tăng do tác động của các cuộc xung đột tại châu Âu và Trung Đông, cũng như quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch vẫn còn mong manh.

Theo Tổng thống Joe Biden, Mỹ luôn tìm cách quản lý mối quan hệ với Trung Quốc một cách có trách nhiệm và một mối quan hệ ổn định giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ tốt cho 2 nước, mà còn cho cả thế giới.

Ông Biden nói: "Thông điệp mà tôi muốn gửi đến tất cả các bạn ở đây ngày hôm nay là các bạn có thể tin cậy vào Mỹ. Chúng tôi đang thực hiện lời hứa của mình và chúng tôi đang tăng gấp đôi tiến độ của mình. Chúng tôi sẽ sớm trở thành đối tác mạnh mẽ và ổn định khi chúng tôi tiếp tục hợp tác để hiện thực hóa khu vực Châu Á Thái Bình Dương tự do và cởi mở, thịnh vượng và an toàn, kiên cường và kết nối".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 16/11 cũng có cuộc gặp mặt với các doanh nghiệp Mỹ. Tại đây, ông Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc là một đối tác tin cậy, luôn mở rộng cửa đón đầu tư quốc tế và không có ý định “gây hấn” với bất kỳ quốc gia nào. Trở lại Mỹ vào thời điểm quan hệ hai nước đang rơi xuống mức thấp, cũng giống như Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Tập Cận Bình cố gắng chứng minh hai nền kinh tế hàng đầu “tuy có liên hệ phức tạp và là đối thủ cạnh tranh với nhau, nhưng đôi bên sẽ cố gắng kềm chế, tránh để tình hình xấu đi thêm, ảnh hưởng đến ổn định, thịnh vượng chung của toàn cầu”.

Lập trường cũng được Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định trước đó: "Cuộc gặp ở San Francisco là cuộc gặp quan trọng nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, giảm bớt nghi ngờ, giải quyết những khác biệt và mở rộng hợp tác cho mối quan hệ Trung - Mỹ, đồng thời cũng là cuộc gặp quan trọng nhằm mang lại sự ổn định và tăng cường sự chắc chắn cho thế giới đầy biến động và đang thay đổi này. Hai nước đã vượt qua những bãi đá ngầm và bãi cạn nguy hiểm để đến San Francisco từ Bali, một điều không hề dễ dàng”.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và APEC nói riêng luôn đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Mỹ và Trung Quốc. Nhà trắng muốn tận dụng các cơ hội tại Tuần lễ cấp cao APEC để thúc đẩy Sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như mở rộng hợp tác với các đối tác khác trong khu vực.

Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của Tổng thống Joe Biden với các nhà lãnh đạo APEC kể từ khi lên nắm quyền 2021 sẽ là thông điệp mạnh mẽ nhất về mức độ quan tâm của Mỹ đối với khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc cũng không bỏ lỡ cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh quá trình phục hồi hậu đại dịch Covid-19 đang chậm lại. Theo các nhà phân tích, “cạnh tranh nhưng không tách rời” sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo của quan hệ Mỹ-Trung thời gian tới, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu dễ bị tổn thương hơn trước các rủi ro địa chính trị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại