Áp tiêu chuẩn chiều cao cho sinh viên sư phạm: Nhà trường nói gì?

Mỹ Dung |

Trường ĐH Sư phạm TP HCM đưa ra đề án tuyển sinh năm 2019 có quy định chuẩn chiều cao thí sinh thi vào các ngành giáo viên đang khiến dư luận bức xúc.

Cụ thể, theo quy định của trường Đại học Sư phạm TPHCM, điều kiện xét tuyển về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên là: nam phải cao từ 1,55m trở lên và nữ cao từ 1,5m trở lên. Riêng ngành Giáo dục thể chất, nam phải cao từ 1,65m và nặng 50 kg trở lên, nữ phải đạt tối thiểu 1,55m chiều cao và nặng 45 kg trở lên.

Áp tiêu chuẩn chiều cao cho sinh viên sư phạm: Nhà trường nói gì? - Ảnh 1.

Thông tin này ngay lập tức khiến nhiều người bức xúc vì cho rằng việc áp chuẩn chiều cao đối với các giáo viên tương lai là vô lý, thậm chí thiếu tính nhân văn, phân biệt người học.

Nhiều bạn trẻ có nhiều ý kiến cho rằng, quy định này hơi vô lý. Điều kiện để thi tuyển vào ngành sư phạm quan trọng vẫn là kiến thức hơn là ngoại hình, chiều cao.

Trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Việt Nam, Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Sư phạm TPHCM cho hay, các nội dung hiện nay chỉ mới là dự kiến về đề án tuyển sinh vì còn chờ ý kiến thống nhất ban hành của Bộ Giáo dục – Đào tạo. 

Điều đáng lưu ý là tiêu chuẩn chiều cao này đã được nhà trường áp dụng từ năm 2008 đến nay chứ không phải quy định mới. Vì vậy, nhà trường tỏ ra khá bất ngờ trước phản ứng của dư luận.

Thạc sĩ Lê Phan Quốc cho biết, việc áp dụng tiêu chuẩn chiều cao của trường nhằm đảm bảo mặt bằng sức khỏe của đội ngũ giáo viên tương lai chứ không có ý phân biệt, kỳ thị vì đối với nhóm thí sinh khuyết tật, trường hợp đặc biệt, trường vẫn xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo.

“Đó chính là những điều kiện liên quan đến vấn đề sức khỏe chứ không phải là điều kiện để đánh giá ngoại hình. Chúng tôi muốn giáo viên trở thành hình mẫu trong việc rèn luyện vấn đề thể chất trước khi dạy cho học sinh về vấn đề phát triển toàn diện của người học”, Thạc sĩ Lê Phan Quốc nói.

Đứng ở góc độ của người làm công tác quản lý giáo dục, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nguyễn Du ở quận 10 cho rằng, quy định này không đến mức bị lên án như hiện tại vì nếu làm tốt nó sẽ tạo ra được chuẩn sức khỏe, ngoại hình để học sinh phổ thông phấn đấu từ sớm nếu muốn làm nhà giáo trong tương lai. 

Và chuẩn này cũng không quá cao như nhiều ngành đặc thù khác vẫn áp dụng từ trước đến nay.

Ông Huỳnh Thanh Phú nói: “Chúng ta cũng phải chấp nhận để nhiều năm về sau nữa lực lượng thầy cô giáo ra trường sẽ có ngoại hình nhằm làm phong phú hơn cho nghề giáo viên. Nói chung, người giáo viên luôn là hình mẫu của học sinh mà nếu chúng ta không có một ngoại hình bắt mắt cũng là thiệt thòi rất lớn”.

Tuy nhiên, bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục của Microsoft tại Việt Nam, Nhà sáng lập InnEdu Steam School lại cho rằng, trường Đại học Sư phạm TPHCM cần cân nhắc lại quy định này. Hãy xem “chiều cao” là tiêu chuẩn ưu tiên chứ không nên bắt buộc, vì nếu cứ áp khung sẽ làm mất đi cơ hội của không ít người tài muốn công hiến cho giáo dục.

“Ở giáo dục cái quan trọng nhất là chữ tâm. Người đó có phù hợp với ngành giáo dục hay không là cái mà chúng ta cần chú ý đầu tiên. Nếu xét về yếu tố ngoại hình thì ngay chính sự bức xúc, chế giễu của cộng đồng cũng đã nói lên rằng quan điểm này, yêu cầu này chưa phù hợp”, bà Quyên nói.

Đại diện trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, nhà trường sẽ không bỏ quy định này vì muốn tạo ra mục tiêu phấn đấu rèn luyện cho thí sinh ngành đào tạo giáo viên và muốn có được đội ngũ thầy cô giỏi nghề, có sức khỏe tốt để truyền năng lượng tích cực cho người học./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại