Đáp trả tuyên bố điều tra của Mỹ, Pháp khẳng định đe dọa không phải là cách mà đồng minh giải quyết tranh chấp. Theo báo Anh Guardian, Quốc hội Pháp hôm 11/7 đã thông qua luật giúp nước này trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn đầu tiên đánh thuế thu nhập đối với các "gã khổng lồ" Internet toàn cầu như Google, Amazon và Facebook.
Có tên gọi là thuế GAFA, viết tắt từ tên 4 công ty Google, Apple, Facebook và Amazon, luật này sẽ đánh thuế 3% đối với tổng doanh thu hàng năm của những công ty trên khi cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng Pháp.
Hôm 10/7, thông tin về dự luật được công bố đã mở một mặt trận mới trong tranh cãi thương mại giữa Washington và Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh mở một cuộc điều tra về chính sách thuế và điều này có thể dẫn đến kết quả Washington áp thuế mới hoặt đưa ra những hạn chế thương mại đối với Pháp.
Phát biểu trước các nghị sĩ Pháp hôm 11/7, Bộ trưởng Tài chính nước này ông Bruno Le Maire cho biết: “Giữa các đồng minh, tôi tin rằng chúng ta có thể và phải giải quyết những khác biệt này theo một cách khác, chứ không phải những lời đe dọa. Pháp là một quốc gia có chủ quyền. Pháp cũng có chủ quyền của mình trong việc áp thuế và sẽ tiếp tục làm vậy”.
Bộ trưởng Le Maire tiết lộ tuần qua Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã đe dọa ông về một cuộc điều tra. Ông Le Maire cho biết “đây là lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước, chính quyền Washington quyết định mở một cuộc điều tra đối với một sắc luật của Pháp”.
Mức áp thuế 3% đối với doanh thu của các công ty cung cấp dịch vụ Internet lớn tại Pháp có thể thu lại 500 triệu euro/năm (13 nghìn tỷ đồng).
Ngoài Pháp, Anh cũng đang lên kế hoạch áp thuế dịch vụ kỹ thuật số tương tự 2% đối với doanh thu của các công cụ tìm kiếm, nền tảng truyền thông xã hội và thị trường trực tuyến phục vụ khách hàng.
Dự kiến luật này có hiệu lực trong năm tới. Luật thuế sẽ chỉ được áp dụng cho các công ty có doanh thu toàn cầu vượt quá 556 triệu euro và có mức thu tối thiểu 25 triệu euro từ các hoạt động thương mại tại Anh. Đề xuất này đã được nêu chi tiết trong dự thảo tài chính mới nhất của Bộ Tài chính Anh và đang chờ tham vấn. Kế hoạch này được cho rằng có nguy cơ nhận lại phản ứng tương tự từ phía Mỹ.
Pháp cho biết họ buộc phải ra một quy định thuế riêng vì các công ty lớn chuyên công nghệ như Facebook và Amazon có thể thu lợi nhuận từ các quốc gia trong EU đánh thuế thấp. Paris cam kết ngừng ngay việc áp thuế một khi thỏa thuận quốc tế đạt được tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhằm sửa đổi các quy tắc thuế xuyên biên giới cho kỷ nguyên số mà tồn tại trong hàng chục năm qua.
Giới chức tại Điện Élysée khẳng định luật thuế mới công bằng và được chính phủ cam kết hỗ trợ như một cách để xoa dịu cơn giận dữ của nhóm người biểu tình phong trào Áo vàng.
Bộ trưởng Le Maire cho hay quy định thuế mới sẽ nhắm tới 30 công ty, phần lớn trong số đó là các công ty Mỹ - như Google, Apple, Facebook và Amazon - còn lại là một số công ty Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha và Anh. “Chúng tôi đơn thuần chỉ là lập lại công bằng tài chính. Chúng tôi muốn tạo ra một quy định thuế cho thế kỷ 21 một cách công bằng và hiệu quả. Chúng tôi muốn áp dụng quy định tương tự cho các mô hình kinh doanh mới trong tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh tế khác nhau”.
Cuộc tranh cãi về thuế công nghệ Paris-Washington bùng phát trong bối cảnh Mỹ và EU cũng vướng vào các cáo buộc trợ cấp không công bằng cho hai hãng hàng không Boeing và Airbus kéo dài 15 năm. Trước đó vào đầu tháng Bảy, Mỹ đề xuất mức thuế trị giá 4 tỷ USD nhằm vào một loạt sản phẩm của EU, với lý do EU trợ cấp cho nhà sản xuất máy bay Airbus.
Ngày 1/7, Đại diện Thương mại Mỹ đã công bố danh sách gồm 89 danh mục hàng hóa là thực phẩm, đồ uống châu Âu có thể bị áp thuế bổ sung với trị giá thương mại tương đương 4 tỷ USD. Hôm 12/4, Mỹ cũng công bố danh sách ban đầu gồm các tiểu mục thuế quan trị giá 21 tỷ USD nhằm vào hàng hóa châu Âu.
Giữa tháng 4, Ủy ban châu Âu (EC) cũng công bố một danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có thể bị áp thuế trị giá 20 tỷ USD, xuất phát từ những tranh cãi về chính sách trợ cấp cho các nhà sản xuất máy bay.