Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, vào 13 giờ ngày 02/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 230km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 13 giờ ngày 03/7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc vịnh Bắc Bộ, cách Quảng Ninh khoảng 220km, cách Nam Định khoảng 300km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, có khả năng đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 13 giờ ngày 04/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực ven biển các tỉnh Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển về phía Tây, suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ.
Vị trí và đường đi của bão. Ảnh: Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương.
Từ chiều mai (03/7), ở khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6, từ đêm mai tăng dần lên cấp 7-8, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.
Diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp gây gió mạnh ở vịnh Bắc Bộ, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định, mưa rất lớn, lũ quét, sạt lở đất trên khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong khoảng ngày 03-04/7.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, ở vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.
Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới, sáng nay 2/7, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), đã tổ chức họp bàn giải pháp ứng phó.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN-MT) cho biết, các trung tâm dự báo quốc tế đang có nhận định khá phân tán về diễn biến tiếp theo của áp thấp nhiệt đới.
Trong đó, cơ quan dự báo của Nhật Bản và Trung Quốc đều có chung nhận định áp thấp nhiệt đới sau khi vượt qua đảo Hải Nam đi vào vịnh Bắc Bộ sẽ mạnh lên thành bão.
Dự báo, bão sẽ cập bờ và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh khoảng đêm ngày 3/7 cho đến rạng sáng ngày 4/7.
Ông Lâm cũng lưu ý, bão gây mưa trước 2 ngày ở khu vực các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và phía nam đồng bắc Bắc bộ. Trọng tâm mưa nhiều nhất được dự báo rơi vào khu vực Thanh Hoá, báo Thanh niên ghi nhận nội dung tại buổi họp.