Lừng lẫy thiên hạ: Dùng Binh pháp Tôn Tử, Hạng Vũ đánh một trận để đời với quân Tần

Đăng Khoa |

Quân nhà Tần hùng mạnh hơn trăm năm, tại sao lại thất bại đột ngột đến vậy?

Hình ảnh lấy trong phim, mang tính minh họa cho bài viết.

Hình ảnh lấy trong phim, mang tính minh họa cho bài viết.

Nhà Chu chấm dứt, chế độ phân phong ở Trung Quốc cũng đi đến điểm dừng. Lịch sử Trung Quốc bước vào thời kỳ thống nhất với người khởi đầu là Tần Thủy Hoàng. Nước Tần đã biến nơi phát tích của mình – Quan Trung từ vùng đất không mấy giàu có trở thành hậu phương vững chắc để thống nhất Trung Quốc.

Từ Tần Thủy Hoàng đến Hán Cao Tổ, Quan Trung luôn là nơi xuất phát của những đội quân chiến thắng. Lần duy nhất một đội quân khởi nguồn từ Quan Trung bị đánh bại là khi tướng Chương Hàm dẫn "đội quân người tù" – Hy vọng cuối của nhà Tần đi trấn áp các nhóm quân chống Tần.

Lừng lẫy thiên hạ: Dùng Binh pháp Tôn Tử, Hạng Vũ đánh một trận để đời với quân Tần - Ảnh 1.

Tượng đất nung quân Tần.

Quân nhà Tần hùng mạnh hơn trăm năm, tại sao lại thất bại đột ngột đến vậy? Nguyên nhân trực tiếp chính là lần giáp mặt với quân Hạng Vũ ở Cự Lộc. Tình thế chiến trường Cự Lộc trước khi trận chiến diễn ra có vẻ không hề có lợi cho Hạng Vũ, đánh thắng quân Tần là một kết cục gây bất ngờ vào thời điểm đó. 

Vậy Hạng Vũ đã lật ngược thế cờ bằng cách nào?

Tình hình Trung Quốc trước trận Cự Lộc

Năm 209 Trước Công Nguyên (TCN), Tần Nhị Thế lên ngôi, Trung Quốc loạn lạc. Quý tộc 6 nước bị Tần diệt không phục nhà Tần, dân chúng thì khổ sở vì Nhị Thế tàn ác. Nhân lực nhà Tần dùng được có hạn trong khi người muốn phản Tần thì nơi nào cũng có. 

Những đội quân chống Tần có thể thay nhau chiến đấu nhưng quân Tần thì không được thua dù chỉ một lần. Vì thế với nhà Tần, trận đánh ở Cự Lộc có ý nghĩa sống còn.

1. Tình hình quân Tần

Đầu năm 208 TCN, quân Tần do Chương Hàm chỉ huy thắng lớn trước quân Sở, diệt được tướng Sở là Hạng Lương (chú Hạng Vũ). Cho rằng quân chống Tần ở phía Nam Trung Quốc không còn nhiều, Chương Hàm cho quân tiến lên phía Bắc, gia nhập với cánh quân Tần từ Vạn Lý Trường Thành để hợp sức đánh quân Triệu.

Quân Tần sau khi hội sư nhanh chóng đánh tan quân Triệu. Triều đình lưu vong nước Triệu phải bỏ kinh đô Hàm Đan mà chạy về Cự Lộc, gửi thư cầu cứu tới các cánh quân chống Tần khắp Trung Quốc. Quân Tần ngày càng khép chặt vòng vây quanh Cự Lộc, ý đồ tiêu diệt cả đạo quân địch trong thành lẫn các cánh quân cứu viện. 

Lừng lẫy thiên hạ: Dùng Binh pháp Tôn Tử, Hạng Vũ đánh một trận để đời với quân Tần - Ảnh 2.

Quân chống Tần tan rã dường như là chuyện không thể tránh khỏi. Nhưng quân Tần khi có một vấn đề nan giải: Toàn bộ các đạo quân tinh nhuệ hoặc đã ở Cự Lộc hoặc đang ở quá xa chiến trường. Nhiệm vụ cứu vãn nhà Tần cơ bản do riêng Chương Hàm gánh vác.

2. Tình hình các cánh quân chống Tần

Tình hình liên quân chống Tần bấy giờ vô cùng nghiêm trọng. Ở phía Nam quân Sở vừa thua to, phải dời về Bành Thành để tránh chủ lực quân Tần. Ở phía Bắc, quân Triệu bị diệt là chuyện sớm muộn.

Đến khi hai đội quân chống Tần mạnh nhất đều đã thua to, các cánh quân còn lại cũng không còn bao nhiêu hy vọng. Quý tộc các nước đều gấp rút điều quân cứu viện Cự Lộc để bảo vệ chính bản thân.

Thế nhưng khi liên quân tập hợp đầy đủ thì lại xảy ra việc lạ: các quân đều dừng ở An Dương chờ động tinh mà không lập tức tiến vào chiến trường. Do không nắm chắc phần thắng, phần lớn tướng lĩnh liên quân đều có thái độ chờ đợi cục diện chiến trận ngã ngũ. Có người đề nghị chia tách đội hình quân Tần để lần lượt tiêu diệt nhưng cũng không cánh quân nào dám làm thế.

Cục diện bế tắc kéo dài đến 46 ngày khiến Hạng Vũ không thể nhẫn nại thêm, bèn xử tử chỉ huy quân Sở là Tống Nghĩa rồi ép Sở Hoài Vương chấp nhận để bản thân Hạng Vũ lên thay.

Kết quả là trận Cự Lộc lưu danh sử sách, Hạng Vũ "đánh chìm thuyền, phá vỡ nồi", đánh tan quân Tần, dập tắt hy vọng cuối cùng của nhà Tần. 

Vậy tại sao Hạng Vũ có thể quyết đánh và tin vào khả năng chiến thắng trong tình cảnh khó khăn như vậy?

Lừng lẫy thiên hạ: Dùng Binh pháp Tôn Tử, Hạng Vũ đánh một trận để đời với quân Tần - Ảnh 4.

Bản đồ trận Cự Lộc

1. "Địa lợi"

Trong các yếu tố ảnh hưởng đến cục diện chiến tranh, địa lý có vai trò vô cùng quan trọng. Binh pháp Tôn Tử tổng kết sáu kiểu địa hình ảnh hưởng đến chiến trường: Đường thẳng, đường vòng, đường nhánh, cửa ải, chỗ hiểm, chỗ xa. Mỗi điều kiện địa lý lại yêu cầu một biện pháp thích ứng khác nhau.

Thư tịch cổ Trung Hoa khi đề cập đến Cự Lộc đều cho biết: "Phía Bắc có đầm lầy rộng lớn, phía Đông Bắc nhiều gò đồi. Lấy tên Cự Lộc bởi có rừng rậm, loài hươu tụ tập". Như vậy có thể thấy điều kiện địa hình đặc thù là nguyên nhân quan trọng khiến Cự Lộc trở thành chiến trường.

2. "Nhân hòa"

Tâm lý quân lính được nhiều sách binh pháp cổ coi trọng. Quan sát lòng quân là phẩm chất cần có của tướng chỉ huy. Sử sách cổ ghi lại trước trận Cự Lộc, liên quân chống Tần ở trong cảnh "binh lính sợ hãi", tướng lĩnh "không hơn Tần nên không dám tiến". Quân Sở của Hạng Vũ lại vừa trải qua trận thua to, tâm lý sợ hãi càng trầm trọng.

Binh pháp Tôn Tử có đề cập một dạng kỳ mưu: "Binh sĩ đã bị dồn xuống đáy vực thì không sợ gì". Khi bị đưa đến hoàn cảnh tận cùng khó khăn, con người không còn gì để mất nên cũng không còn sợ hãi. Tuy có lý thuyết như vậy, nhưng tướng cầm quân áp dụng được trong thực tế như Hạng Vũ là không nhiều.

Để toàn quân có thể "lâm vào đường cùng mà tìm ra đường sống", Hạng Vũ đã tiến hành một kế hoạch ba bước.

Bước một: Cho quân tiên phong vượt sông, kiểm soát hai bờ để quân chủ lực vượt sông thuận lợi.

Bước hai: Đích thân Hạng Vũ dẫn toàn quân vào chỗ "đường cùng", một bên là sông sâu một bên là quân Tần.

Bước ba: Phá nồi, chìm thuyền, đốt doanh trại, cho quân lính mang đủ lương thực ăn ba ngày. Đến đây, toàn quân đã ở trong thế quyết tử, một mất một còn với quân Tần. 

Lòng căm thù nhà Tần phổ biến trong quân lính càng khiến kế hoạch của Hạng Vũ được thực hiện hiệu quả.

Trận đánh diễn ra theo đúng kế hoạch của Hạng Vũ. Quân Sở ở thế không còn gì để mất, giao chiến chín lần với quân Tần đều thắng lớn, diệt và bắt nhiều tướng giỏi của quân Tần.

Lừng lẫy thiên hạ: Dùng Binh pháp Tôn Tử, Hạng Vũ đánh một trận để đời với quân Tần - Ảnh 6.

Hạng Vũ "phá nồi, chìm thuyền"... trong trận Cự Lộc.

Lời kết

Trong trận chiến tại Cự Lộc, Hạng Vũ đã áp dụng thành thục lý thuyết binh pháp vào thực tế chiến trường, biến điều kiện bất lợi thành nguyên nhân thắng lợi. Thành tựu lớn nhất của cuộc đời Hạng Vũ là trận Cự Lộc với trình độ chiến thuật được đưa đến đỉnh cao.

Thế nhưng điều đáng tiếc của cuộc đời Hạng Vũ chính là đủ chiến thuật nhưng thiếu chiến lược, luôn tìm ra cách thắng mỗi trận đánh nhưng lại thua trong toàn thế cục đương thời.

Sau trận Cự Lộc, không lâu sau nhà Tần bị tiêu vong.

Tham khảo: Sử Ký, Binh pháp Tôn Tử

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại