"Ảo tung chảo" thông điệp tích cực của giới trẻ

Hoàng Linh |

Thật khó lý giải việc hàng trăm bạn trẻ cầm chảo la hét chạy vòng quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ trong một đêm trung tuần tháng 9 nếu chúng ta thiếu sự độ lượng của người lớn cũng như thấu hiểu sự nồng nhiệt của tuổi mới lớn.

Khát khao gắn kết

Trong sự cô đơn thường xuyên với 5000 anh em trên mạng xã hội, tuổi trẻ rất thích một cái gì đó cũng trên nền tảng bạn bè nhưng phải khác đi, bùng nổ hơn. Chính vì vậy khi một nhóm bạn trẻ đưa ra lời kêu gọi "Ảo tung chảo" ngay lập tức đã được hàng ngàn bạn trẻ hưởng ứng nồng nhiệt.

Trò chơi "Cầm chảo chạy quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ" được phát đi từ một tài khoản facebook  nhanh chóng thu hút hơn 14.000 người quan tâm và hơn 2.400 người đăng ký tham gia.

Càng hấp dẫn hơn khi nó còn liên quan đến game thủ, trò chơi này mô phỏng hoạt động trong một game online hành động, trong đó nhân vật sẽ phải đi tìm một chiếc chảo để làm bia đỡ đạn.

Chưa có lời kêu gọi nào trên mạng được hưởng ứng nồng nhiệt và tập hợp nhiều bạn trẻ như vậy dù trước đó có những lời kêu gọi khác như "hôn người lạ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ", "mang theo gối ôm ra phố đi bộ đại chiến"…

Hàng trăm bạn trẻ với cái chảo cầm tay đã làm huyên náo và tạo ra hoạt cảnh sôi động, đầy sức sống và cũng lạ lẫm. Hoạt động này kéo dài đến 19h30 mà không gặp phải sự ngăn cản nào của đội trật tự hoặc ban quản lý của phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Ảo tung chảo thông điệp tích cực của giới trẻ - Ảnh 1.

Nhóm bạn trẻ cầm chảo lên phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Trên các diễn đàn mạng xã hội và trên các báo các bạn trẻ tranh cãi quyết liệt để bảo vệ hành động vui tươi này dù các bạn ấy không tham gia. Cứ mỗi comment tỏ ra không hài lòng thì có ngay comment khác đối đáp: Vui lắm.

Đặc biệt, ý kiến "Thanh thiếu niên dạo này sống ảo nhiều quá" nhận nhiều đáp trả nhất, kể cả từ các bậc phụ huynh. 

Đó không là sống ảo, thật cả đấy. Hãy để các bạn trẻ sống, khám phá, sáng tạo, đam mê....mỗi giai đoạn mỗi khác, hẳn các em khác với chúng ta, thời ta khác, đừng gói ghém các em trong suy nghĩ lỗi thời.

Xả stress, để làm việc tốt hơn thôi mà, cũng như các cuộc vui thi ném điện thoại xa, đập điện thoại, thi xem ai bay xa nhất với các thiết bị tự chế, thi cõng,..., quan trọng là tiếngcười, là không ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Ảo tung chảo thông điệp tích cực của giới trẻ - Ảnh 2.

Cũng có ý kiến phản đối nhưng có chừng mực, dễ chấp nhận hơn: Theo tôi thì tôi thấy các bạn trẻ này chỉ muốn thỏa niềm vui của mình chứ tôi không thấy nó mang ý nghĩa gì cả, thay vì cầm chảo thì có thể mang bảng tuyên tuyền chống dịch sốt xuất huyết, giữ gìn văn minh đô thị, biển đảo quê hương...hay đơn giản là cầm bong bóng có chữ tôi yêu Việt Nam chẳng hạn, chứ cầm chảo mà chạy vòng vòng nhìn giống "bán cái chảo" như vậy cũng không hợp.

Bình thường thôi

Ông bà xưa nói "17 bẽ gãy sừng trâu", ý muốn nói sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ, năng lượng đó nếu cứ bị dồn nén trong 4 bức tường trường học với áp lực học hành thi cử hoặc dán mắt vào màn hình smartphone thì mới đáng lo ngại. Nếu nó bùng nổ bằng các trò chơi vận động mang tính cộng đồng thì tốt quá chứ sao.

Cộng đồng mạng tuy nông nổi, cả tin nhưng cũng khôn đáo để những phong trào nhảm hay có thể gây nguy hiểm như đều bị loại bỏ nhanh chóng và ngay lập tức được thay thế bằng các trò mới khôi hài, tinh nghịch, đôi lúc hơi "điên" với cặp mắt bình thường nhưng luôn chuyển tải thông điệp tích cực nào đó.

Push up Challenge là hoạt động quay video thực hiện hít đất hay chống đẩy 22 cái trong vòng 22 ngày. Hoạt động này được khởi xướng bởi Andrew K. Nguyễn – một người Mỹ gốc Việt .

Khi nhận được lời thách thức, một là bạn thực hiện theo thách thức, 2 là bạn bỏ tiền vào quỹ hỗ trợ hoặc từ thiện nào bạn biết. Tính đến nay, đã có hơn 6 triệu cái chống đẩy được thực hiện và con số 22 triệu đặt ra sẽ không còn là quá xa vời.

Có nhiều bạn trẻ tham gia trào lưu này như một sự thử thách bản thân, rèn luyện sức khỏe. Vì đây là một trào lưu với ý nghĩa nhân văn, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe mà còn dễ thực hiện nên không ai ngần ngại khi nhận được lời mời win-win từ bạn bè hoặc đối thủ.

Ảo tung chảo thông điệp tích cực của giới trẻ - Ảnh 3.

Duyên dáng ở dạng ngược lại, theo kiểu "đứng hình" lấn át cả Mane quin bắt nguồn từ một nhóm học sinh trung học ở Florida, Mỹ từ cuối tháng 10 vừa qua và nay lan rộng toàn cầu. 

Những học sinh trung học tại Florida đứng bất động theo mọi tư thế ngẫu nhiên. Một người có nhiệm vụ cầm camera quay trên nền nhạc sôi động và đưa clip lên mạng xã hội như Twitter, Instagram... với hashtag #MannequinChallenge.

Clip quay Mannequin Challenge trở nên phổ biến với lượt chia sẻ lớn trên mạng. Gần như ngay lập tức, mạng xã hội trở nên dậy sóng với trào lưu này bởi sự thú vị cũng như dễ thực hiện của nó: các nhân vật tham gia chỉ cần trong tư thế bất động. Thời gian và không gian như ngưng đọng tại thời điểm quay.

Để tham gia thử thách này, các bạn trẻ tự mình quay clip hoặc cùng đồng nghiệp, đồng đội, bạn bè... cùng nhau quay clip theo nhóm. Cách phổ biến và dễ dàng nhất là quay bằng điện thoại di động. Hàng chục nghìn clip hưởng ứng trào lưu thử thách Ma nơ canh đã xuất hiện toàn cầu.

Cũng có nghĩa những trò chơi vận động được hưởng ứng trên mạng xã hội đều mang những thông điệp đề  tích cực hướng tới nhiều thói quen tốt nhằm khuyên nhủ giới trẻ hạn chế sống ảo, không khoe của, khoe bản thân, không gây phiền toái người khác trên Facebook, tránh xa các trò chơi bạo lực, các tệ nạn xã hội.

Vậy thì nên cấm, hạn chế hay khuyến khích đây?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại