Anh xây nhà máy điện hạt nhân bằng tiền Trung Quốc

Cẩm Bình |

Ngày 29.9, chính phủ Anh và Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) đã chính thức ký hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C tại Anh. Điều đáng nói, Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) có góp vốn và cổ phần trong dự án này.

Phát biểu tại lễ ký hợp đồng ngày 29.9, Bộ trưởng Kinh doanh Anh Greg Clark cho biết hợp đồng đánh dấu một bước tiến quan trọng cho kỷ nguyên mới của năng lượng hạt nhân Anh.

Ông Jean-Bernard Levy, Giám đốc điều hành EDF, đã gọi lễ ký hợp đồng xây nhà máy Hinkley Point C là bước ngoặt đáng nhớ cho những người đã làm việc trong thời gian dài với dự án này.

Hợp đồng xây nhà máy Hinkley Point C được ký kết sau khi chính phủ Anh thông qua kế hoạch xây dựng vào ngày 15.9. Để bảo vệ an ninh quốc gia, chính phủ Anh đã đưa thêm một số điều khoản quan trọng, trong đó có điều kiện yêu cầu EDF không được bán cổ phần của mình cho bên thứ 3.

Hinkley Point C là dự án trị giá 18 tỉ bảng Anh (24 tỉ USD), được xây dựng tại Somerset phía tây nam nước Anh. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là nhà máy điện hạt nhân mới nhất được xây dựng ở Anh sau nhiều thập niên.

Dự án này sẽ do EDF tài trợ 2/3 số vốn đầu tư, trong khi CGN của Trung Quốc gánh 1/3 còn lại (8 tỉ USD). Nếu được đưa vào hoạt động (dự kiến vào năm 2025), nhà máy này sẽ giải quyết 7% nhu cầu năng lượng của Anh.

Chính phủ Anh hứa hẹn dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C sẽ tạo ra 26.000 việc làm và thúc đẩy nền kinh tế Anh phát triển. Tuy nhiên, dự án đã gặp phải nhiều nghi ngại.

Nghi ngại đầu tiên đến từ việc có sự xuất hiện của Trung Quốc trong đầu tư và chiếm giữ cổ phần. Nhiều nhà phân tích cho rằng nếu chấp nhận dự án này, Anh đã cho Trung Quốc quyền gây tổn hại đến an ninh năng lượng của Anh.

Nhiều chỉ trích khác nhắm vào số tiền 92,5 bảng Anh (khoảng 120 USD) cho mỗi MWh mà người dân phải trả cho EDF trong vòng 35 năm tới. Nhiều người lo ngại điều ấy sẽ làm tăng lạm phát.

Dự án cũng bị các nhà bảo vệ môi trường phản đối. John Sauven, Giám đốc điều hành của tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) chi nhánh Anh, cho biết:

"Chính phủ Anh đang chi hàng tỉ bảng Anh của người nộp thuế cho một dự án đầy hạn chế về pháp lý, tài chính và kỹ thuật. Thủ tướng Anh Theresa May không thể xây dựng một chiến lược công nghiệp thế kỷ 21 bằng một công nghệ đắt tiền nhưng lố bịch và lạc hậu".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại