Anh tăng ngân sách quốc phòng, tham vọng khôi phục hải quân mạnh nhất châu Âu

Quang Dũng |

Thủ tướng Anh ngày 19/11 công bố đợt tăng ngân sách quốc phòng lớn nhất của nước này kể từ sau Chiến tranh Lạnh, với tuyên bố muốn khôi phục hải quân nước này thành lực lượng mạnh nhất châu Âu.

Tuyên bố với Nghị viện Anh chiều 19/11, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định thời kỳ cắt giảm ngân sách quốc phòng đã chấm dứt và chính phủ Anh sẽ bổ sung 24,1 tỷ bảng Anh cho quân đội nước này trong 4 năm tới, mức chi cao hơn 16,5 tỷ bảng Anh so với cam kết trước đó.

Với quyết định này, ngân sách quốc phòng của Anh trong những năm tới sẽ chiếm 2,2% GDP của Vương quốc Anh, cao hơn mức 2% mà Mỹ yêu cầu các nước thành viên NATO thực hiện. Với tổng ngân sách quốc phòng 4 năm tới là 190 tỷ bảng Anh (tức trên 252 tỷ USD), Anh cũng sẽ là thành viên có ngân sách quốc phòng lớn nhất châu Âu và thứ 2 trong liên minh quân sự NATO, sau Mỹ.

Bảo vệ cho quyết định tăng ngân sách quốc phòng cao nhất trong gần 30 năm qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, thế giới đang trong bối cảnh nguy hiểm nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

“Bối cảnh quốc tế hiện nay đang nguy hiểm hơn và cạnh tranh khốc liệt hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ thời Chiến tranh lạnh. Tất cả mọi thứ tại Anh, từ việc làm, việc kinh doanh cho đến việc ăn uống, mua sắm, đều phụ thuộc vào những yếu tố an ninh toàn cầu nhỏ nhất”.

Trọng tâm trong lần tăng ngân sách quốc phòng lần này của Vương quốc Anh sẽ là các đầu tư mạnh cho hải quân. Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố, Anh sẽ khôi phục địa vị là hải quân mạnh nhất châu Âu thông qua kế hoạch đóng mới 12 tàu khu trục, đồng thời phát triển thế hệ tàu chiến mới.

Ngoài ý nghĩa quan trọng về mặt quốc phòng, kế hoạch đóng mới 12 tàu chiến cũng được ông Boris Johnson kỳ vọng sẽ là chất xúc tác gắn kết các vùng lãnh thổ của Vương quốc Anh khi làm sống lại ngành công nghiệp đóng tàu vốn từng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế tại các vùng Scotland và xứ Wales.

Quyết định cũng được xem là xoa dịu sự phẫn nộ của nhiều chính trị gia và dân chúng Scotland sau phát biểu cách đây vài ngày của ông Boris Johnson rằng tiến trình trao dần thêm quyền lực cho Scotland là một “thảm họa”.

Hiện tại, làn sóng đòi ly khai khỏi Vương quốc Anh tại Scotland đang tăng cao trở lại sau khi diễn ra sự kiện Brexit năm 2016 và việc chính phủ của ông Boris Johnson xử lý yếu kém đại dịch Covid-19. Đảng Dân tộc Scotland (SNP) cầm quyền tại vùng này thời gian qua đang ráo riết vận động và gây sức ép buộc chính phủ Vương quốc Anh cho phép tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2 về độc lập.

Trong lần trưng cầu dân ý năm 2014, đa số người dân Scotland đã chọn ở lại trong Vương quốc Anh nhưng theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây, số người ủng hộ Scotland độc lập để gia nhập trở lại Liên minh châu Âu – EU đang chiếm đa số./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại