Đêm ngày 6/3, sau khi Hà Nội họp khẩn và chính thức công bố ca nhiễm COVID-19 thứ 17 sau khoảng 2 tuần duy trì không phát sinh ca nhiễm mới, tâm lý người dân bắt đầu lo lắng trở lại. Nhu cầu mua lương thực, thực phẩm của người dân Hà Nội tăng đột biến, gây nên tình cảnh khan hiếm. Trước bối cảnh này, nhiều siêu thị lớn, hệ thống bán lẻ đã nhanh chóng có phương pháp ứng phó, đảm bảo đầy đủ nguồn cung ứng cho bà con.
Ghi nhận của chúng tôi trong ngày 8/3, tại các đại siêu thị, hệ thống bán lẻ, hàng hóa được lấp đầy các kệ. Người dân thảnh thơi đi mua sắm cuối tuần, không đông đúc, không chen lấn, xô đẩy. Mì tôm - mặt hàng được người dân "săn lùng" ráo riết 2 ngày qua, thể hiện sự dồi dào, đa dạng nhãn hàng. Các cơ sở kinh doanh cam kết không có hiện tượng găm hàng đẩy giá.
Nhân viên của siêu thị được tăng cường, làm việc hết công suất, đảm bảo nhu cầu của người dân.
Khác hẳn 2 ngày trước, lượng người mua sắm vắng hơn, khách hàng thoải mái lựa chọn sản phẩm.
Các kệ bán gạo cũng được lấp đầy. Trước đó, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo Tổng công ty lương thực miền Bắc, Tập đoàn DABACO và Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cung cấp đủ gạo và thực phẩm cho các nhà bán lẻ ở Hà Nội. Thủ tướng cũng yêu cầu hệ thống các nhà bán lẻ mở cửa bán gạo đến 11 giờ đêm để đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân Thủ đô.
Gian hàng thịt lợn được bổ sung, đa dạng lựa chọn cho khách hàng. Trong cuộc họp giao ban của BCĐ phòng chống dịch COVID-19 sáng 8/3, Đại diện Sở Công Thương khẳng định ngành đã chủ động triển khai bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung. Cùng với đó, chỉ đạo các doanh nghiệp dự trữ hàng hoá 7 loại hàng thiết yếu, tăng hơn các bình thường từ 30-40%; rà soát toàn bộ doanh nghiệp sản suất khẩu trang và dung dịch sát khuẩn.
Nhiều bà nội trợ cho biết, các mặt hàng thịt, rau, củ đều rất dồi dào, giá cả ổn định, không chen lấn, khác với suy nghĩ trước đó. "Thật may khi hôm nay đến siêu thị, tôi cảm giác "bình yên" như nhiều ngày trước, người dân có thể thoải mái lựa chọn mà không lo khan hàng, bị đẩy giá lên cao. Gia đình tôi không có ý định tích trữ, nhà hết lương thực thì mua thêm thôi", chị Ngọc Anh (phường Nhân Hòa) nói.
Lượng rau củ dồi dào giúp người dân an tâm, không lo thiếu trong nhiều ngày tới.
Rau, củ, quả,... liên tục được bổ sung lên các kệ hàng.
Nhân viên siêu thị BigC liên tục "lấp đầy" kệ rau, thay hàng mới và loại bỏ hàng dập nát. Theo báo cáo, hệ thống này lượng hàng tăng từ 30-40%, bố trí cán bộ liên tục phục vụ hàng trong siêu thị, vận chuyển hàng hóa từ các kho về hệ thống phân phối. Cùng lúc đó, hàng hóa Vinmart tăng 40 lần, các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội. Coopmart tăng lượng dự trữ ngay tại các kho của Hà Nội, Bắc Ninh, lượng hàng tăng 30 %, huy động tăng các cán bộ 100%. Các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử để phục nhu cầu nhân dân khi phòng chống dịch.
Các sản phẩm từ sữa cũng được phủ kín các kệ. Trong hình, một nhân viên đang nhanh chóng "làm đầy" gian hàng sữa chua.
Kệ hàng giấy vệ sinh, giấy ăn không hề xuất hện tình trạng chen lấn, xô đẩy hay tranh giành nhau. Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố, trong đó tập trung vào cấp độ 3- 4; đảm bảo sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly của thành phố. Nắm bắt kịp thời các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, nước diệt khuẩn để đáp ứng nguồn cung phục vụ nhân dân.
Sở Công thương chỉ đạo các nhà cung cấp, các nhà sản xuất đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho các hệ thống phân phối và phục vụ nhu cầu của nhân dân. Chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra; Thành lập các tổ công tác đi kiểm tra, nắm bắt tình hình hàng hóa giá cả, báo cáo trong ngày để kịp thời chỉ đạo.
Để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh, gần 100% khách hàng đều đeo khẩu trang trong lúc mua sắm.
Sở Công thương Hà Nội đã có văn bản đề nghị Cục QLTT Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát không để hiện tượng găm hàng, bán tăng giá, không niêm yết giá...
Sở cam kết, trong bất kỳ tình huống nào các hệ thống phân phối của Hà nội cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân kể cả hàng khi lượng mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng; phân bổ lượng hóa đầy đủ trong hệ thống không để địa bàn bị trống hàng, thiếu hàng.