Theo các đồng minh của bà Truss, Trung Quốc sẽ được đánh giá giống như Nga, được xác định là “mối đe dọa chính xác”. Trung Quốc được mô tả là “đối thủ cạnh tranh” và Anh nên đào sâu quan hệ thương mại với Bắc Kinh nhưng cũng cần thận trọng về những rủi ro an ninh quốc gia.
“Các nền kinh tế thương mại mở cửa như Anh sẽ cần phải hợp tác với Trung Quốc và cần phải cởi mở với đầu tư và thương mại Trung Quốc, tuy nhiên, các nền kinh tế đó cũng cần phải bảo vệ chính mình trước các hành vi bất lợi đối với an ninh và sự thịnh vượng”, bản báo cáo nhấn mạnh.
Theo một tài liệu rò rỉ được The Times công bố tháng trước, ông Rishi Sunak, cựu Bộ trưởng Tài chính và hiện là đối thủ của bà Truss trong cuộc đua trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ, chuẩn bị ký kết các thỏa thuận thương mại để đưa nước Anh trở thành “thị trường lựa chọn” của các công ty Trung Quốc. Bà Truss dự kiến sẽ ưu tiến vấn đề an ninh quốc gia hơn so với hợp tác kinh tế với Trung Quốc.
“Sẽ không có quan hệ đối tác kinh tế nào nữa. Tất cả sẽ bị đình chỉ sau vấn đề Hong Kong”, một đồng minh của bà Truss nói. Điều này đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ so với các mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc dưới thời chính phủ của Thủ tướng David Cameron, khi đó Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Anh.
Một nguồn tin chiến dịch của bà Lizz Truss cho biết: “Bà Truss đã củng cố lập trường của Vương quốc Anh đối với Bắc Kinh kể từ khi trở thành Ngoại trưởng và sẽ tiếp tục giữ lập trường cứng rắn nếu trở thành Thủ tướng. Bà đã tích cực chỉ ra sự áp bức về kinh tế của Trung Quốc, hợp tác với G7 và các đồng minh khác để huy động đầu tư vào các nước có thu nhập thấp và trung bình như một biện pháp chống lại Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc”.
Hồi tháng 5 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mô tả Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự dựa trên luật lệ quốc tế. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới đảo Đài Loan./.