Ánh sáng bí ẩn lần đầu tiên được nhìn thấy từ năm 1966 ở Hoa Kỳ. Ảnh: BBC
Vào bất kỳ buổi đêm nào, từ hôm sương mù ẩm ướt giữa mùa hè đến ngày tuyết dày đến đầu gối trong mùa đông bất tận ở Michigan, người ta vẫn dễ dàng bắt gặp đám đông người dân địa phương và cả những khách du lịch tò mò tập trung tại một khoảng đất trống nhỏ gần Quốc lộ 45 trên đường Robbins ở Mỹ.
Khi mặt trời lặn và màn đêm dần buông xuống, những quả cầu sáng kỳ lạ bắt đầu hình thành trên sườn đồi cách đó khoảng 8 km, ở một thung lũng bên ngoài Paulding, bang Michigan. Nhưng nếu cố gắng đến gần hay đuổi theo, ánh sáng này sẽ biến mất. Mặc dù dường như không thể nắm bắt được, nhưng thứ ánh sáng này vẫn hiện lên rõ ràng và cứ duy trì ở nơi xa xôi như vậy cho đến khi Mặt trời mọc.
Các du khách hiếu kỳ đến "săn" ánh sáng Paulding trang bị các thiết bị chụp ảnh chuyên nghiệp đã cố gắng chụp được những hình ảnh về hiện tượng kỳ lạ này, nhưng trong nhiều năm, những bức ảnh vẫn không thể giúp họ giải thích được thứ mà bản thân đã chụp được.
Lần đầu tiên ghi nhận việc nhìn thấy ánh sáng Paulding là vào năm 1966, khi một nhóm nam sinh trung học đã nhìn thấy nó và báo cho cảnh sát trưởng địa phương. Có những câu chuyện truyền miệng của người địa phương đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau về ánh sáng Paulding. Câu chuyện phổ biến nhất kể rằng, hàng đêm, hồn ma của một người gác phanh xe lửa thiệt mạng trong một thảm họa tàu hỏa xuất hiện và giơ đèn lồng lên để cảnh báo mọi người tránh xa đường ray. Tuy nhiên, không có hồ sơ hoặc hay thông tin nào cho thấy có đường sắt trong khu vực này.
Nhiều câu chuyện huyền bí khác cũng được tạo ra xung quanh "ánh sáng Paulding", thu hút sự tò mò và khiến các du khách tin rằng họ đang quan sát thứ gì đó khác biệtt hoàn toàn với thế giới hàng ngày.
Không ít du khách hiếu kỳ tập trung đến Paulding vào đúng thời gian cố định để tận mắt nhìn thấy "ánh sáng Paulding". Ảnh: BBC
Dù câu chuyện là gì, thứ ánh sáng bí ẩn đã đưa thị trấn nhỏ bé Paulding trở thành điểm đến hấp dẫn. Người dân địa phương cũng như khách du lịch liên tục đến để xem "ánh sáng Paulding" và gọi đó là "hồn ma đúng giờ nhất trên thế giới". Nhiều dịch vụ liên quan như: cửa hàng và nhà hàng cung cấp thức ăn, nước uống hay những trang phục lưu niệm có dấu ấn liên quan đến "ánh sáng Paulding".
Bà Sarah Bakker, nhân viên cửa hàng Sylvania Outfitters gần đó cho biết: "Tôi đã nhìn thấy ánh sáng Paulding vài lần. Tôi không nghĩ đó là hiện tượng siêu nhiên, nhưng cũng thật thú vị khi nhìn thấy. Một số người nói rằng họ chắc chắn đó chỉ là đèn pha ô tô, nhưng những người khác lại đảm bảo rằng rằng họ nhìn thấy thứ khác mà không thể giải thích được".
Năm 2010, nghiên cứu sinh kỹ thuật điện của Đại học Công nghệ Michigan (MTU) Jeremy Bos đã dẫn đầu một nhóm thám hiểm của sinh viên, trang bị mọi thứ từ máy ảnh, máy đo ánh sáng cho đến kính thiên văn công suất cao đã đến thị trấn Paulding. Nhiệm vụ duy nhất của họ là giải thích được "ánh sáng Paulding" rốt cuộc là gì.
Cuối cùng, kết luận mà nhóm sinh viên đưa ra là "ánh sáng Paulding" chỉ là ánh sáng từ đèn pha của những chiếc ô tô đi trên Quốc lộ 45 chiếu ra xa, kết hợp với hiệu ứng khí quyển tạo nên ảo ảnh lung linh như mọi người thường thấy.
Ông Jeremy Bos đã lấy bằng tiến sĩ và trở thành phó giáo sư tại Khoa Kỹ thuật Máy tính và Điện của Đại học Công nghệ Michigan. Bất chấp những nỗ lực cung cấp thông tin chính xác nhất về các hiện tượng kỳ lạ của nhóm của nghiên cứu, các câu chuyện huyền bí về "ánh sáng Paulding" vẫn tồn tại và được không ít người tin tưởng.
Dù có những giải thích khoa học, nhiều người vẫn tin vào những câu chuyện kỳ bí xung quanh "sáng Paulding". Ảnh: BBC
Để tăng tính xác thực cho nghiên cứu của mình, ông Jeremy Bos cũng kêu gọi những "thợ săn ma" hãy thử nhìn qua kính viễn vọng hoặc ống kính tele và đảm bảo rằng họ chắc chắn sẽ nhìn thấy đèn pha ô tô. Tuy nhiên, vẫn có những du khách chỉ muốn tin tưởng rằng họ đã nhìn thấy điều không thể lý giải được.
Bà Cyndi Perkins, một chuyên gia cao cấp về nội dung làm việc tại Michigan, cho biết, mặc dù tin vào lời giải thích của Đại học Công nghệ Michigan, nhưng thỉnh thoảng bà vẫn ghé qua địa điểm này để xem "ánh sáng Paulding". Bà cũng nói thêm, hiện nay có nhiều khách du lịch đến đây vì muốn xác nhận lại lời giải thích khoa học và cũng có nhiều người khác vẫn đến vì tin vào những nguyên nhân siêu nhiên khác nhau.
Bà Perkins nhấn mạnh: "Những người tin vào 'ánh sáng Paulding' không tin rằng bức màn bí mật về nó đã được vén lên. Họ cho rằng những gì các nhà nghiên cứu nhìn thấy không phải là 'ánh sáng Paulding' thực sự".