Những tia sáng bí ẩn, kỳ quái này có thể xảy ra ngẫu nhiên, đôi khi nó xuất hiện vài lần trong một tuần. Thông thường, chúng chỉ tồn tại trong vài phút, nhưng cũng có khi tồn tại trong nhiều giờ.Theo Fox News, những tia sáng ngẫu nhiên đến từ bề mặt Mặt Trăng, được biết đến như là "hiện tượng Mặt Trăng nhất thời", khiến các nhà khoa học bối rối trong nhiều thập kỷ.
Đã có một số lời giải thích trong những năm qua, ví dụ như ánh sáng xuất phát từ thiên thạch bay đến Mặt Trăng, hay các UFO ghé thăm... nhưng chưa có gì được chứng minh. Một kính viễn vọng mới ở Tây Ban Nha vừa mới lắp đặt được kỳ vọng có thể cung cấp câu trả lời.
Theo nhóm nghiên cứu của nhà khoa học Hakan Kayal tại JMU ở Bavaria (Đức) - những người tạo ra kính viễn vọng mới đặt tại Tây Ban Nha - cho biết, kính này đang quan sát bề mặt Mặt Trăng 24/7, với hi vọng sớm tìm ra được lời giải cho những bí ẩn trên.
Hakan Kayal cho biết: "Cái gọi là hiện tượng Mặt Trăng thoáng qua đã được biết đến từ những năm 1950, nhưng tại thời điểm đó con người không đủ thiết bị và không quan sát được Mặt Trăng trong thời gian dài để tìm ra câu trả lời".
Ngay cả phi hành gia Apollo 11 Michael Collins - người đã lên Mặt Trăng năm 1969 - cũng từng chia sẻ với Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA về hiện tượng kỳ lạ này.
Michael Collins từng nói về Mặt Trăng (ngày 15/7/1969): "Có một khu vực được chiếu sáng nhiều hơn, khá đáng kể so với khu vực xung quanh. Nó dường như cũng có một chút huỳnh quang. Có thể nhìn thấy một miệng hố và khu vực xung quanh miệng núi lửa khá sáng".
Trong một diễn biến khác, tháng 1/2019, Trung Quốc đã hạ cánh tàu thám hiểm Chang'e 4 lên Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh ở vùng tối trên "vệ tinh tinh tự nhiên của Trái Đất".
Dĩ nhiên, những bí hiểm về Hằng Nga hay Chị Hằng (cách gọi Mặt Trăng của người Trung Quốc) sẽ sớm có lời giải trong thời gian tới. Sau 40 năm đặt chân lên Mặt Trăng, con người đang quay lại nơi này mạnh mẽ hơn và với nhiều thiết bị nghiên cứu hiện đại hơn xưa.