Quân nhân Ukraine thuộc Lữ đoàn 214 của Lực lượng Tác chiến Đặc biệt (OPFOR) nạp đạn cho xe tăng, tại một địa điểm không được tiết lộ dọc theo tiền tuyến phía bắc Bakhmut, vào ngày 16/3/2023. Ảnh: Anadolu/Getty Images
Ngoại trưởng Anh James Cleverly ngày 22/3 tuyên bố sẽ không có leo thang hạt nhân trong cuộc xung đột Ukraine sau khi Tổng thống Nga Putin cảnh cáo London chớ cung cấp đạn uranium nghèo cho các lực lượng của Kiev.
Theo hãng tin Reuters, chính phủ Anh hôm 20/3 xác nhận rằng họ đang cung cấp cho Ukraine đạn dược có chứa uranium nghèo. Kim loại nặng này được sử dụng trong vũ khí vì nó có thể xuyên thủng xe tăng và áo giáp dễ dàng hơn do mật độ của vật liệu cùng với các đặc tính khác.
Sau đó, ngày 21/3, Tổng thống Nga Putin đã lên án kế hoạch của Anh gửi vũ khí làm từ uranium nghèo như vậy tới Ukraine, nói rằng Moskva sẽ buộc phải đáp trả tương ứng vì những vũ khí đó có “thành phần hạt nhân”.
Đài RT cho hay, Tổng thống Nga nói rằng vũ khí chứa uranium nghèo sẽ được Moskva coi là có chứa “các thành phần hạt nhân”. “Tôi muốn lưu ý rằng nếu điều này xảy ra, thì Nga sẽ buộc phải phản ứng tương ứng, lưu ý rằng phương Tây đã bắt đầu sử dụng vũ khí có thành phần hạt nhân", ông Putin cảnh báo.
Một cảnh báo tương tự trước đó đã được đưa ra bởi Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Serge Shoigu bên lề các cuộc đàm phán Nga-Trung. Ông Shoigu nói rằng động thái trên sẽ đưa thế giới tiến thêm một bước nữa đến thảm họa hạt nhân. “Một bước nữa đã được thực hiện, và số lượng các bước còn lại ngày càng ít đi", Bộ trưởng Shoigu nói với các phóng viên.
Trong một phản ứng, ngày 22/3, Ngoại trưởng Anh Cleverly nói với các phóng viên tại một sự kiện ở London rằng Nga là quốc gia duy nhất nói về vấn đề hạt nhân. “Không có leo thang hạt nhân. Quốc gia duy nhất trên thế giới đang nói về vấn đề hạt nhân là Nga. Không có mối đe dọa nào đối với Nga, đây hoàn toàn là việc giúp Ukraine tự vệ”, ông Cleverly nói.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Anh bổ sung rằng: “Cần đảm bảo mọi người hiểu rằng, không phải chỉ vì có từ 'uranium' trong tên của đạn uranium nghèo, mà chúng là đạn hạt nhân, chúng hoàn toàn là đạn thông thường.”
Anh đã sử dụng uranium nghèo trong các loại đạn xuyên giáp của mình trong nhiều thập kỷ qua và không coi các loại đạn dược đó là có khả năng hạt nhân. Nga được cho là cũng sử dụng đạn dược có chứa uranium nghèo.
Đạn uranium nghèo từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi quốc tế, với những chỉ trích cho rằng vật liệu này độc hại và có tính phóng xạ. Uranium nghèo được sử dụng để chế tạo lõi cứng của đạn xuyên giáp, và chúng thể hiện vai trò này rất xuất sắc do mật độ cao của vật liệu. Lõi của đạn bốc hơi khi va chạm, biến thành một kiểu bình xịt và làm ô nhiễm môi trường bằng uranium.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, một đồng minh thân cận của Tổng thống Putin, cũng tham gia tranh cãi về vấn đề trên trong ngày 22/3, khi nói rằng Nga sẽ trả đũa quyết định của Anh bằng cách cung cấp cho Belarus đạn dược chứa "urani thực sự".
"Chúng ta cần phải lùi lại trước sự điên rồ này. Ngay khi loại đạn này phát nổ vào vị trí của quân đội Nga, bạn sẽ thấy phản ứng đáng sợ, đó sẽ là bài học cho cả hành tinh", ông Lukashenko nói với các phóng viên trong một video clip.
"Nga không chỉ có uranium nghèo... Chúng ta phải hạ thấp xu hướng leo thang xung đột này và tiến tới một giải pháp hòa bình", Tổng thống Belarus kêu gọi.