Một buổi sáng vào năm 1988, anh nông dân họ Khương ở làng Khương Giao, Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, đang đào cát ở một địa điểm gần nhà thì gặp một chuyện lạ. Theo đó, cứ mỗi lần người này cầm xẻng xúc cát thì phía dưới mặt đất lại vang lên thứ âm thanh tựa như tiếng va đập với đá cứng. Vì tò mò, anh Khương quyết định đào hết lớp cát bên trên để xác định vật cản ở dưới là gì.
Lúc đầu, anh Khương cho rằng đó là chỉ là một tảng đá nhỏ. Tuy nhiên càng đào, người đàn ông này phát hiện ra rằng thứ nằm bên dưới lớn hơn thế rất nhiều. Không chỉ vậy, nó còn có hình thù rất kỳ lạ.
Sau khi quan sát kỹ, anh Khương nhận ra thứ mình đào được trông giống một con rồng đá khổng lồ đang uốn lượn. Tuy nhiên vì kích thước của nó quá lớn, người đàn ông này không thể tự mình đưa nó lên khỏi mặt đất nên đã thông báo cho dân làng đến hỗ trợ.
Chuyện anh Khương tìm thấy con rồng đá khổng lồ nhanh chóng được lan truyền và đến tai chính quyền địa phương. Ngay lập tức, một đội điều tra gồm nhiều cán bộ và chuyên gia đã vội vã đến địa điểm xảy ra vụ việc. Hiện trường sau đó cũng được phong tỏa để phục vụ cho cuộc khai quật quy mô lớn.
Thông qua các phép đo chuyên nghiệp bằng cảm biến từ xa, các chuyên gia xác định được con rồng đá này cao 2,5m, rộng 4,6m và dài 369m. Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn cả là tại hiện trường, các chuyên gia còn tìm thấy thêm 9 con rồng đá khác với kích thước nhỏ hơn, được sắp xếp một cách có trật tự bên cạnh con rồng dài 369m. Hiện tượng “thập long quy tụ” này đã khiến giới khảo cổ học ở tỉnh Hà Bắc rúng động. Cũng từ đây, các chuyên gia bắt đầu bước chân vào hành trình đi tìm nguồn gốc của chúng.
Theo giáo sư Vương Đại Hữu, nhà nghiên cứu văn hóa rồng nổi tiếng của Trung Quốc cũng có những nhận định của riêng mình. Ông cho rằng một công trình nhân tạo quy mô lớn như vậy thường sẽ có ghi chép hoặc ít nhất cũng có câu chuyện được lưu truyền trong địa phương. Tuy nhiên trên thực tế, không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến 10 con rồng này được tìm thấy. Do đó, chuyên gia này cho rằng chúng được hình thành một cách tự nhiên chứ không phải từ chạm khắc nhân tạo.
Để chứng thực điều này, nhóm chuyên gia của giáo sư Vương Đại Hữu đã áp dụng các phương pháp khoa học và tiến hành điều tra chi tiết. Họ đi sâu vào nghiên cứu cả địa điểm phát hiện 10 con rồng rồi tiến hành cắt lớp và kiểm tra cấu trúc địa tầng để thu thập thêm bằng chứng thông qua khảo cổ học, địa chất và phân tích hóa học chuyên nghiệp. Dựa trên những kết quả thu được, Giáo sư Vương Đại Hữu đưa ra suy đoán rằng con rồng đá này được hình thành trên bờ biển và tính toán rằng thời gian hình thành của rồng đá được phát hiện là từ 10.000 đến 120.000 năm.
Không giống như suy đoán của giáo sư Vương, giáo sư Lý Khánh Thần - Cựu giám đốc Viện Khoa học Địa lý tỉnh Hà Bắc, tin rằng 10 con rồng này được hình thành do quá trình kết dính đá vôi của cát sông cổ đại. Thời gian hình thành là vào cuối kỷ Pleistocen, tức là từ 10.000 đến 120.000 năm trước. Suy đoán này dựa trên sự quan sát và phân tích cát ở lòng sông.
Hiện tại, cuộc nghiên cứu và giả thuyết mà Giáo sư Lý Khánh Thần đưa ra được cho là đáng tin cậy hơn, chiếm được sự đồng tình của đa số chuyên gia trong cộng đồng khảo cổ học Trung Quốc. Mặc dù những suy đoán này vẫn chỉ dừng lại ở giả thuyết, thế nhưng điều này lại trở thành động lực to lớn giúp các chuyên gia kiên trì hơn với công cuộc giải mã bí ẩn đằng sau hiện tượng "thập long quy tụ" nói trên.
Theo Toutiao