Trong gần 4 năm ở Việt Nam, tôi đã rất nhiều lần có ý định học tiếng Việt một cách nghiêm túc nhưng không sắp xếp được thời gian. Cho đến cuối tháng 4 năm nay, khi lệnh đóng cửa trở nên chặt hơn, tôi mới dồn nhiều công sức và chuyên tâm hơn cho chuyện này.
Bên cạnh việc là một ngôn ngữ thú vị thì động lực lớn nhất khiến tôi học tiếng Việt là để giao tiếp một cách thoải mái với mọi người. Tương tác với người Việt là một trong những điều đem lại cho tôi những cảm xúc tuyệt vời nhất, bởi người dân nơi đây mộc mạc, chân thành và vui vẻ. Tôi muốn được hiểu rõ hơn về người Việt Nam thông qua chính ngôn ngữ của họ.
Ban đầu tôi nghĩ âm sắc là thử thách lớn nhất khi học tiếng Việt, nhưng hóa ra nó chưa là gì so với những biến thể về ngôn ngữ và sự khác biệt quá lớn về cách phát âm ở các vùng, miền. Có thể chính người Việt cũng không để ý, rằng ngôn ngữ của các bạn bên cạnh việc có tới 6 thanh âm (tiếng Trung chỉ có 4), thì còn có nhiều biến thể của nguyên âm (a => ă, â; e => ê; u => ư; o => ô, ơ). Vì vậy một từ chỉ có 3 chữ như "man", khi thêm một vài ký tự sẽ biến thành hàng chục từ khác nhau. Chưa kể tới những từ đồng âm khác nghĩa, những từ khi ghép với một từ khác sẽ chẳng liên quan gì tới nghĩa của từ gốc cả.
Trong quá trình học tiếng Việt, tôi cười rất nhiều mỗi khi nghe giải nghĩa, và giáo viên cũng cười ra nước mắt trước những thắc mắc của tôi mặc dù tôi thắc mắc vô cùng nghiêm túc. Gần đây khi học cách phân biệt d/r/gi tôi đã hỏi giáo viên tại sao "nem rán" không thể là "nem dán" hay "nem gián"? Giáo viên cười và giải thích cho tôi "nem rán" thì ngon, "nem dán" thì hơi dính nhưng "nem gián" thì mọi người sẽ chạy mất dép.
Tuy nhiên để nhớ được những kiến thức đấy không hề đơn giản, vì vậy tôi và một người bạn, cũng là giáo viên tiếng Việt của tôi, nảy ra ý tưởng quay video lại theo phong cách ngắn gọn, hài hước để mỗi khi quên, tôi có thể mở ra xem và nhớ lại những gì được học.
Có hai sự trợ giúp lớn mà tôi nhận được trong quá trình sáng tạo nội dung. Một là từ người bạn kiêm giáo viên tiếng Việt của mình. Có cùng khiếu hài hước nên tôi và giáo viên của mình rất hay đùa giỡn trong quá trình học, không ngờ những câu chuyện phiếm ấy khi chuyển thành video lại khiến nhiều người cười đến vậy.
Hai là từ những bình luận của người theo dõi mà tôi có thêm thật nhiều ý tưởng, học được thêm vô vàn kiến thức mới về tiếng Việt, cũng như có cái nhìn rõ nét, sâu sắc hơn về văn hóa và con người Việt Nam.
Tiếng Việt không phải là một ngôn ngữ phức tạp, nhưng là một ngôn ngữ có rất nhiều biến thể. Giống như mọi ngôn ngữ khác trên thế giới, đôi khi tiếng Việt xuất hiện những quy tắc không thể giải thích và không logic chút nào. Người Việt tuân theo những quy tắc đấy một cách tự nhiên mà không đặt câu hỏi. Nhưng khi người nước ngoài học thì sẽ luôn thắc mắc tại sao lại như thế?
Đó chính là sự thú vị trong ngôn ngữ, văn hóa mà tôi khai thác trên kênh của mình. Nhận ra cách người Việt giao tiếp đời thường hoàn toàn khác với những gì ghi trong sách vở, tôi nhờ bạn dạy những từ vựng, câu nói thông dụng mà người Việt sử dụng.
Khó khăn nhất là tốc độ nói khi giao tiếp của người Việt, nếu Eminem sang Việt Nam thì sẽ không thể nổi tiếng vì khả năng rap nhanh đâu. Khó khăn thứ hai là phát âm vùng, miền. Tiếng miền Bắc, miền Trung và miền Nam nghe như 3 ngôn ngữ khác nhau vậy, chưa kể cách sử dụng từ hoàn toàn khác, có những từ ở miền Bắc mang nghĩa này nhưng ở miền Nam khác hoàn toàn, như quả "roi" chẳng hạn. Video tôi làm về chủ đề này cũng nhận được 6,000 bình luận bàn tán rất sôi nổi. Điều khiến tôi bất ngờ là chính nhiều người Việt Nam cũng không hề biết về sự khác biệt này.
Là người rất quan tâm đến meme và văn hóa mạng, tôi tạo hứng thú trong việc học bằng cách theo dõi những page dành cho giới trẻ Việt trên Facebook, đọc và cố gắng hiểu comment của mọi người. Ví dụ cụm từ rất phổ biến trên internet thời gian gần đây - "còn cái nịt" khi dịch bằng Google sẽ cho ra kết quả "what about the belt", tôi đã có những thắc mắc khá là ngố kiểu tại sao câu "vậy còn cái thắt lưng thì sao" lại được hiểu là "chẳng còn gì"? Mỗi khi hiểu ra nguồn gốc, lý do người Việt nói như vậy, tôi đều thấy rất buồn cười và muốn lan tỏa sự hài hước này đến cho mọi người.
Người Việt nhìn chung rất hào phóng và mến khách. Ở miền Nam tôi thấy rất nhiều gia đình để những thùng trà đá lớn (10l) trước cửa nhà để người đi đường có thể dùng miễn phí vào những ngày nắng nóng. Hoặc có lần xe tôi bị hỏng giữa đường, người dân xung quanh liền mang đồ nghề ra kiểm tra Nhận thấy không thể tự sửa, họ cùng tôi dắt xe tới cửa hàng gần nhất và tận tình hỏi han, động viên tôi đừng quá lo lắng.
Khi mới từ TP.HCM ra Hà Nội, tôi đã "đứng hình" khi người bán hàng nói 55 "nghìn". Ở trong miền Nam, đơn vị tiền tệ là "ngàn", tôi vô cùng hoang mang kể cả sau khi nhận được lời giải thích bằng ngôn ngữ hình thể vô cùng có tâm từ người phụ nữ đứng phía sau.
Tất cả những khó khăn này đều được giải quyết bởi sự nhiệt tình và tốt bụng của người Việt. Họ luôn kiên nhẫn và có tấm lòng rộng mở, chào đón đối với người nước ngoài. Đối với tôi, nụ cười và tính gắn kết cộng đồng là hai thứ quý giá nhất của đất nước này. Vì vậy tôi cũng muốn trao lại cho người Việt Nam những nụ cười. Thật may mắn khi tôi được làm điều đó với kênh TikTok của mình.
Hiện tại, việc mang đến tiếng cười cho mọi người đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi, nó cũng khiến trải nghiệm của anh tại Việt Nam trở nên ý nghĩa hơn nhiều, tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc.