Trong một lần tình cờ, anh Lê Sỹ Tân (SN 1982, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) bén duyên với trái ớt Aji Charapita (hay còn gọi là ớt Peru), thường được trồng ở vùng núi hoang sơ đất nước Peru.
Năm 2018, nhận thấy đây là loại cây mang lại giá trị lớn, anh Tân bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu cách trồng và đưa giống ớt “kì lạ” này về Việt Nam.
Ở nước ngoài, ớt Aji Charapita được xem như một gia vị quý, cung cấp hàm lượng Vitamin C cao gấp nhiều lần ớt thường. Khi ăn, ớt Peru cay nồng, thơm mùi trái cây, đọng vị lâu ở lưỡi.
Ớt Aji Charapita có quả tròn, khi chín, trái chuyển màu vàng cam. Đây cũng là loại ớt được mệnh danh đắt nhất thế giới.
“Đây là loài cây khá khó trồng, không ưa nước, rất dễ chết hàng loạt khi xảy ra ngập úng. Mỗi khi trời mưa phải tìm cách cho nước không được đọng lại ở gốc cây. Đặc biệt phải trồng cách biệt với bên ngoài để tránh bị thoái hóa giống”, anh Tân chia sẻ kinh nghiệm.
Theo anh Tân, nếu chăm sóc tốt, 1 cây có thể cho thu hoạch 4-5kg quả/năm. Đây là loại ớt có thể cho quả 4 mùa nên ai biết cách chăm bón đầy đủ sẽ cho năng suất cao.
Thông thường cây sẽ cho quả sau 90 ngày tuổi. Ớt Aji Charapita có tuổi thọ lên đến 10 năm.
Vì loại ớt này khá nhỏ nên rất tốn thời gian để thu hoạch. Mỗi lần thu hoạch, anh Tân thuê 4-5 người phụ trách công đoạn hái.
Hiện tại anh Tân đang ươm khoảng 7.000 cây con trong vườn lưới. Dự kiến số cây này sẽ cho thu hoạch vào dịp Tết.
Ngoài bán quả ớt, anh Tân còn bán cây con cho bà con có nhu cầu trồng thử. Giá cây con hiện giao động từ 50.000 – 100.000 đồng/cây tùy kích thước.
Sau khi thu hoạch, anh Tân sẽ đóng gói và nhập hàng cho các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM,… với giá 1 triệu đồng/kg, còn với người dân nội tỉnh, anh bán 700.000 đồng/kg. Trừ mọi chi phí, 1 năm anh thu về trên 300 triệu đồng.
“Ở nước ngoài, ớt Aji Charapita như một gia vị xa xỉ, tôi bán cho bà con rẻ hơn giá thị trường vì muốn người dân ta ai cũng được thưởng thức loại ớt quý hiếm này. Nếu bán đắt thì họ không có tiền mua”, anh Tân lý giải.
Lãnh đạo UBND xã Thạch Xuân cho biết, ớt Aji Charapita trong trang trại của anh Lê Sỹ Tân là cây trồng mới tại địa phương. “So với các loài cây nông nghiệp truyền thống, loại ớt anh Tân trồng cho thu nhập cao hơn nhiều lần. Mô hình này cũng giải quyết vấn đề việc làm cho nhiều người dân địa phương”, lãnh đạo xã Thạch Xuân thông tin thêm.