Anh là nước đầu tiên cho phép tình nguyện viên phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2

Ngọc Hà - Hữu Chiến |

Anh trở thành nước đầu tiên trên thế giới cho phép các tình nguyện viên phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu y tế.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Anh cho biết trong cuộc thử nghiệm, sẽ bắt đầu trong vòng 1 tháng tới, sẽ có 90 tình nguyện viên khỏe mạnh, trong độ tuổi từ 18 - 30, sẽ được phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 trong môi trường an toàn và có kiểm soát để các nhà nghiên cứu có thêm hiểu biết về cách thức virus này lây lan cho con người.

Nhằm đảm bảo thử nghiệm an toàn, virus được sử dụng cho các tình nguyện viên không phải là biến thể mới mà là loại xuất hiện ở Anh kể từ tháng 3/2020. Ban đầu nghiên cứu sẽ có nhiệm vụ tìm ra lượng virus nhỏ nhất có thể khiến con người phơi nhiễm. Sau đó các tình nguyện viên có thể được tiêm vaccine trước khi phơi nhiễm với virus. Các tình nguyện viên cũng sẽ được nhận tiền vì tham gia nghiên cứu.

Bộ trưởng Kinh doanh Anh Kwasi Kwarteng cho biết nghiên cứu sẽ giúp tìm ra vaccine tốt nhất và hiệu quả nhất trong dài hạn.

* Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 17/2, Indonesia đã khởi động giai đoạn 2 của chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bằng lễ ra quân tại Tanah Abang, khu chợ dệt may lớn nhất Đông Nam Á.

Tổng thống Joko Widodo cho biết Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 38,5 triệu người trong giai đoạn 2, trong đó có 5 triệu giáo viên, 4 triệu tiểu thương tại các chợ, 2,6 triệu nhân viên công vụ, 2,7 triệu nhân viên dân sự, 1,2 triệu nhân viên giao thông công cộng, 1 triệu quân nhân và cảnh sát. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ tiêm phòng cho 92.000 nhân viên du lịch, 5.000 nhà báo, 1.203 vận động viên, 69.000 lãnh đạo tôn giáo và 33.000 thành viên các cơ quan lập pháp.

Trước đó, Indonesia đã triển khai giai đoạn 1 của chương trình tiêm chủng quốc gia vào ngày 13/1 vừa qua với mục tiêu tiêm 2 mũi vaccine cho khoảng 1,5 triệu nhân viên y tế tại quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này. Indonesia cũng đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu người, tương đương 2/3 trong số hơn 270 triệu dân của nước này trong vòng 15 tháng.

Phát biểu với báo giới khi thị sát chiến dịch tiêm vaccine tại chợ Tanah Abang, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin khẳng định chính phủ không giới hạn tiêm chủng ở các cơ sở y tế, mà mở rộng sang các địa điểm khác như nơi làm việc, các địa điểm đông đúc như các khu chợ, và tại các sân vận động. Giai đoạn 2 này sẽ kéo dài đến hết tháng 5, bao gồm các đợt tiêm chủng tại các khu chợ, trung tâm thương mại trên khắp thủ đô Jakarta và các địa phương khác trên 2 hòn đảo Java và Bali, trước khi mở rộng sang các tỉnh thành khác.

Theo Tiến sĩ Maxi Rein Rondonuwu, Tổng vụ trưởng Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Indonesia, tiểu thương tại các chợ được ưu tiên vì họ tương tác với khách hàng hằng ngày, bên cạnh đó là những người bán hàng rong. Hiện toàn bộ 7 tỉnh và thành phố trên đảo Java và Bali nằm trong số 10 địa phương có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao nhất cả nước.

Cho đến nay Indonesia vẫn phụ thuộc vào nguồn vaccine do hãng Sinovac của Trung Quốc cung cấp. Dự kiến, quốc gia này sẽ bắt đầu nhận các loại vaccine từ AstraZeneca (Anh), Pfizer (Mỹ) và Novavax (Mỹ và Canada) cho chương trình tiêm vaccine miễn phí vào cuối tháng này. Hiện Indonesia vẫn còn khoảng 160.000 người nhiễm COVID-19, giảm so với mức 175.000 ca hồi tuần trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại