Anh hàng rong bị CA quật ngã: Xuất hiện những kẻ xúi giục bí hiểm

Hoàng Xuân |

Trừ 5 chị tiểu thương và bán hàng rong cũng như một cặp vợ chồng là bạn của Phong từ hồi nhỏ, còn có những người hành xử khá kỳ lạ.

Xuất hiện người hành xử khá kỳ lạ

Tối 15/4, chúng tôi vào bệnh viện 115 (TP.HCM) thăm anh Phạm Thiện Minh Phong, người bán hàng rong bị công an quật ngã.

Trước đó, bác sĩ giải thích, anh Phong đang chấn thương sọ não, xuất huyết não, còn choáng, tiên lượng thế nào chưa thể nói trước được, phải cách ly, rất hạn chế giao tiếp, chỉ đủ sức gật và lắc.

Trái ngược với suy nghĩ của tôi, quanh giường bệnh của anh Phong là cả nhóm người đông đúc.

Trừ 5 chị tiểu thương và bán hàng rong cũng như một cặp vợ chồng là bạn của Phong từ hồi nhỏ, còn có những người hành xử khá kỳ lạ.

Đó là hai người đàn ông khoảng trên 50 tuổi, to cao. Họ vào, không tự giới thiệu, cũng không hỏi thăm Phong, chỉ cầm điện thoại quay chụp rất cẩn thận.

Khi chiếc điện thoại lia đến chỗ tôi đang nói chuyện với một người bạn của Phong, tôi lưu ý anh ta dừng lại và hỏi anh tại sao lại quay hình tôi mà không xin phép.

Tôi đặt câu hỏi về hành động này của người lạ mặt kia nhằm mục đích gì thì anh ta lúng túng trả lời ngắt quãng: “Chỉ quay vậy thôi... Không làm gì hết... là một tổ chức từ thiện... nhân ái... tư nhân... ở một quận nhỏ...”.

Khi tôi hỏi tên tổ chức từ thiện đó thì anh ta tránh né.

Người đàn ông còn lại cũng đưa điện thoại quay hình. Sau khi tôi tỏ thái độ không vừa lòng với việc quay hình không xin phép, họ lẳng lặng quay thêm ít phút rồi rút lui.

Sau đó khoảng 45 phút, lại một thanh niên khoảng gần 30 tuổi đẩy cửa phòng bước vào. Anh chàng này trẻ hơn, da sạm đen, cháy nắng, trông khá lam lũ nhưng vẻ mặt cũng hiền.

Thấy chúng tôi đang hỏi chuyện Phong, anh ta nhìn sang rồi xuýt xoa: “Em từ Biên Hòa xuống đây.

Cũng là người lạ thôi nhưng đọc trên báo thấy tội nghiệp quá, đêm qua em khóc nguyên đêm. Tại vì thương ảnh như là người nhà mình vậy”.

“Thương như người nhà thì có phụ giúp gì không? Sáng giờ vợ anh coi anh mệt lắm rồi đó. Anh thương anh Phong vậy thì đêm nay thức canh anh cho vợ anh Phong ngủ đi nha”, phóng viên Phạm An của báo điện tử Trí Thức Trẻ, nửa đùa nửa thật nói.

Chúng tôi quay sang nhìn thì anh chàng kia im ru, cụp mắt nhìn xuống.

Lát sau, tôi nghe anh ta "căn dặn" cho Phong:

“Anh không có được ký bất cứ giấy tờ gì nha, cũng không được nhận tiền nha” (tiền của Lương Việt Hà - anh công an quật ngã Phong trong clip - mang đến xin lỗi và gửi để vợ chồng Phong chi tiêu trong bệnh viện. Hà cũng xin nhận chi toàn bộ chi phí điều trị của Phong).


Anh Phạm Thiện Minh Phong

Anh Phạm Thiện Minh Phong

Nhìn khuôn mặt sạm đen, đôi môi sưng phồng khô tái vì không uống đủ nước của Phong, nhìn người vợ ngơ ngác chỉ biết ngồi đó nhìn quanh, tôi không tránh khỏi xót xa.

Phong 27 tuổi, Thúy – vợ Phong 25 tuổi, chỉ ngang ngang tuổi cháu tôi nhưng mặt mũi đen đúa, trông già hơn tuổi thật.

Tận mắt nhìn và nói chuyện mới thấy cả hai đều hiền lành, ngơ ngác, con mắt nhìn thẳng người đối diện không mang vẻ gì gian dối.

Phong tuy lam lũ nhưng vẫn toát lên vẻ chân chất, hiền khô, ai nói gì nghe nấy. Hình ảnh đó trái ngược hẳn với cái người giằng co trong clip.

Tôi cất giọng, đủ to để mọi người quanh giường nghe thấy:

“Phong nên nhận tiền Hà đưa để có chi phí lo liệu cho vợ chồng và con cái trong mấy ngày tụi em không đi làm.

Người ta hối lỗi, xin tha thứ thì em nên nhận, đó là lòng thành của họ.

Còn anh công an kia làm sai thì sẽ bị xử lý. Em đừng nghe ai xúi dại. Người ta cho tiền em được một bữa năm ba ngày, không ai lo cho em được cả tháng.

Em phải tự lo, ráng cho mau lành mà về còn đi làm nuôi sống gia đình. Không ai được quyết định thay cho em việc này hết”.

“Em không muốn nhận tiền vì lỡ nhận tiền rồi... rồi...thì mắc bẫy...”, Phong từ tốn nói.

Phong không biết Thượng tá Dương Ngọc Thanh, Phó trưởng Công an quận 6 (TP.HCM) trước đã cho biết về việc ông “đề xuất quyết định tạm đình chỉ công tác đối với đồng chí Lương Việt Hà lên Công an TP.HCM”.

Cả hai, Phong và Hà, không ai hoàn toàn đúng trong việc này và cả hai đều đang gánh chịu hậu quả.

Nhưng khi việc không ai muốn đã xảy ra thì cách tốt nhất là sửa lỗi và hàn gắn.

Điều làm lành lặn vết thương là ngăn chặn không để những việc tương tự xảy ra, chứ không phải cố khoét sâu vào cái sai của một bên, lợi dụng những bức xúc của người dân để đẩy sự việc thành cơn cuồng hận không lối thoát.

Em cũng muốn bỏ nghề lắm

Phong kể, “em đi bán trái cây dạo, mỗi ngày lời hai, 300.000 đồng. Thúy đi phụ việc cân bao nilon cho một tiệm. Hai đứa đều làm cả ngày nhưng em là người sáng dậy đưa con đi học, chiều lại đón con về.

Thúy ngày làm được 130.000 đồng. Cứ sáng đi chiều về nấu cơm cho chồng con ăn.

Nhìn Thúy hiền lành, chậm chậm. Thôi thì có việc tử tế đều đặn mà làm là tốt lắm rồi”.


Chị Thúy, vợ anh Phạm Thiện Minh Phong

Chị Thúy, vợ anh Phạm Thiện Minh Phong

Phong vừa kiếm tiền chính vừa gánh việc chăm con trong nhà. “Em bán từ 6h sáng, chiều đón con xong lại đi tiếp, đến 8h tối mới về”.

Vợ chồng Phong có một người con trai, năm nay hai tuổi, gửi trẻ cả ngày.

Nhắc đến con, mắt Phong sáng lên. “Nó lanh lắm, quậy lắm chị”- Phong cười méo méo.

Đứng cạnh, anh bạn từ nhỏ của Phong cười theo: “Thằng Phong giỏi lắm, cưng con lắm chị. Thằng nhỏ chỉ theo ba thôi”.

Nói về việc đã qua, Phong cho biết: “Em cũng muốn bỏ nghề lắm, em cũng bỏ mấy lần rồi quay lại tại vì không biết làm gì chứ đi đường đông xe cũng ghê lắm, phải cạnh tranh với mấy người bán khác, không biết tai nạn lúc nào.

Rồi công an hốt phải chạy, rồi lại bị bắt”, Phong chia sẻ.

Trong phòng bệnh, Phong kê một đống mền lên thật cao trong khi bác sĩ luôn nhắc chấn thương vùng đầu thì nên nằm thấp để máu lưu thông dễ dàng.

Tôi kéo tấm mền ra, nhắc nhở, chỉ được vài phút Phong lại kéo mền cao lên để gối đầu...

Trong clip, khúc đường Phạm Phú Thứ trước chợ Bình Tiên chật nghẹt.

Mấy chị tiểu thương vô thăm Phong cũng thừa nhận: “Đường chợ mà, có điều đông buổi sáng thôi, tới chiều thì vắng bớt”.

“Vậy có xe cấp cứu thì sao hả chị?”- tôi hỏi. Các chị chỉ cười trừ.

Đến đây, với việc người bị đánh đang hồi phục còn người đánh thì đang bị xem xét kỷ luật, câu chuyện của Hà và Phong có thể xem như đã kết thúc.

Nhưng những xung đột gay cấn hơn nữa giữa người thi hành công vụ và người mưu sinh trên đường phố vẫn sẽ chưa thể chấm dứt.

Một khi chính quyền chưa đủ kiên quyết để thực hiện những quy định đảm bảo quyền lợi của cả người nghèo mưu sinh trên lề đường và quyền được đi lại an toàn, đường thông hè thoáng của tất cả những người còn lại thì xung đột này vẫn còn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại