Sáng 11/4, chiếc “máy ATM” gạo đầu tiên tại Hà Nội đã được đưa vào sử dụng để phát gạo miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Được biết, nguyên tắc chạy của “máy ATM” là gạo được cho lên một thùng rồi cho chảy qua ống xuống, nếu như ở TP Hồ Chí Minh chiếc “máy ATM” được bấm bằng tay thì tại Hà Nội sẽ sử dụng bằng chân. Mỗi người dân đến phải xếp hàng cách nhau theo đúng quy định là 2m và mỗi người 3kg.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - người xây dựng ý tưởng và thực hiện, sau khi đọc thông tin ở TP Hồ Chí Minh làm “máy ATM” gạo miễn phí nên đã xây dựng ý tưởng để làm.
"Tôi nhớ hồi nhỏ, đứt bữa là không có gì ăn và trước tình hình dịch bệnh do đó có ý tưởng. Và tôi nghĩ rằng, trong TP Hồ Chí Minh có người làm được sao mình không làm được. Ban đầu rất nhiều người phản đối không cho làm nhưng tôi vẫn quyết tâm” - ông Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Hùng, do nhóm của ông không phải dân kỹ thuật và việc mua nguyên vật liệu, cửa hàng đóng hết đó là một khó khăn không nhỏ.
Người dân được khử khuẩn và ghi rõ họ tên trước khi vào lấy gạo.
Trước niềm vui nhận được gạo miễn phí trong hoàn cảnh đầy khó khăn, bà Trần Thị Lành, 62 tuổi, tạm trú tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa cho biết: “Tôi trọ ở cạnh bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bị mắc bệnh ung thư, ngày ngày tôi đi nhặt rác thấy loa đài thông báo nên ghé vào lấy về ăn đỡ vất vả.
Bữa gạo này dự kiến ăn 4 ngày, thực sự sau khi nhận gạo cảm thấy ấm lòng”.
Theo kế hoạch, chương trình phát gạo miễn phí cho người dân từ “máy ATM” sẽ diễn ra từ hôm nay (11/4) đến hết ngày 30/4 hoặc đến khi hết gạo. Chương trình sẽ được phát từ 8 giờ đến 17 giờ mỗi ngày.
Mỗi người phải xếp hàng theo thứ tự và đứng cách nhau khoảng 2m theo quy định.
Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn bày tỏ niềm vui khi được phát gạo miễn phí.
Mỗi người sẽ được phát 3kg gạo miễn phí mỗi ngày.
Cận cảnh ''máy ATM'' phát gạo miễn phí cho người dân.
Chương trình phát gạo miễn phí cho người dân từ ''máy ATM'' sẽ được diễn ra từ hôm nay (11/4) đến hết ngày 30/4 hoặc đến khi hết gạo
Chương trình sẽ được phát từ 8 giờ đến 17 giờ mỗi ngày.
Mỗi người dân nhận được gạo đều vui mừng và ấm lòng khi ra về.