Anh em và căn nhà thừa kế

Di Lâm |

Tòa án chia đều giá trị căn nhà cho những người thừa kế. Thế nhưng, không biết rồi đây ai sẽ thực hiện trách nhiệm thờ cúng cha mẹ để giữ mối dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình?

Vụ án tranh chấp thừa kế tài sản diễn ra tại TAND tỉnh Bình Dương hôm đó có khoảng 50 người là đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến tham dự. Phòng xử không đủ chỗ ngồi, họ chấp nhận đứng hoặc ngồi ngoài hành lang để theo dõi phiên xử.

Anh cả ra đi đột ngột, các em đưa nhau ra tòa

Cha mẹ bà N.T.D (ngụ tỉnh Bình Dương) sinh 15 người con. Trong đó, bà D. là con thứ 13. Năm 2008, cha mẹ bà qua đời. Lo xong tang sự, đại gia đình thống nhất giao anh trai cả sở hữu, trông coi căn nhà trên mảnh đất có diện tích gần 900 m2 do cha mẹ để lại. Đó cũng là di nguyện của cha mẹ bà D. lúc sinh thời.

Người con trai trưởng đã lo chu toàn việc thờ cúng, gìn giữ căn nhà thờ tự. Hằng năm, các anh em về đây làm đám giỗ, họp mặt. Mối quan hệ trong đại gia đình luôn tốt đẹp.

Anh em và căn nhà thừa kế - Ảnh 1.

Đầu năm 2018, sóng gió nổi lên trong căn nhà thờ tự ấy khi người anh cả đột ngột lìa đời, không kịp để lại di chúc. Sau đám tang, ông N.A.N, anh trai thứ hai lặng lẽ dọn vào căn nhà trên, thay chìa khóa cổng và cấm cửa các em. Sau nhiều lần tranh cãi, 13 người em quyết định cử bà D. đại diện khởi kiện, đòi mảnh đất và căn nhà thờ tự.

Đại diện phía nguyên đơn, bà D. trình bày gia đình chưa hết đau buồn vì anh cả bất ngờ mất đi thì anh thứ hai tuyên bố ông có quyền sở hữu căn nhà thờ tự, thường xuyên kiếm chuyện chửi mắng, xua đuổi, khóa cổng mỗi khi có người muốn vào nhà. Không còn cách nào khác, 13 người em đành nhờ tòa án can thiệp.

Chia nhà, bài vị tổ tiên thờ ở đâu?

Đó là câu hỏi ông N. đặt ra tại tòa, yêu cầu đại diện nguyên đơn trả lời rõ. Theo ông N. trước khi qua đời, người anh cả có tiến hành thủ tục tặng lại ông toàn bộ tài sản trên. Hai bên đang đo đạc, làm văn bản tặng cho thì người anh cả mất nên chưa kịp sang tên giấy tờ nhà đất. Ông N. đưa ra một số giấy tờ, hợp đồng đo đạc để chứng minh đó là sự thật.

"Hợp đồng đo đạc diện tích nhà đất để làm thủ tục tặng cho là bằng chứng về việc anh cả có ý định chuyển quyền sở hữu tài sản cho tôi. Người khác chỉ muốn xâu xé tài sản mà thôi. Thưa tòa, bà D. đã kích động mọi người, gây mất đoàn kết gia đình. Nếu căn nhà không còn thì bài vị tổ tiên, cha mẹ sẽ đặt ở đâu? Ai sẽ trông nom, thờ cúng?" - bị đơn chỉ trích.

Không đồng tình, phía nguyên đơn đề nghị tòa án buộc ông N. chia đều tài sản cho các đồng thừa kế. Bà D. giải thích: "Anh cả sống một thân một mình. Chúng tôi hiểu rằng anh ấy có nghĩa vụ trông nom, thờ cúng tổ tiên, cha mẹ. Cũng vì vậy, anh ấy đương nhiên có thể thừa hưởng căn nhà là nơi thờ cúng mà cha mẹ để lại.

Anh N. là con trai thứ hai, anh cả mất rồi nhưng anh không có quyền tự tung tự tác chiếm nhà, trở mặt với anh em như thế. Vì anh cấm cản chúng tôi lui tới nên bất đắc dĩ chúng tôi mới khởi kiện. Sau khi tòa án có phán quyết, chúng tôi sẽ bàn bạc, cử người chịu trách nhiệm thờ cúng". Bà D. dứt lời, những thành viên khác vỗ tay tán đồng. Ở dãy ghế bên kia, ông N. quắc mắt nhìn đáp trả.

Căn cứ tài liệu, lời khai từ hai phía, tòa án quyết định chia đều tài sản trên cho 14 thành viên trong gia đình. Một lần nữa, tiếng vỗ tay lại vang lên.

Hai bên đương sự kéo nhau ra về. Nhìn họ, chủ tọa phiên tòa thở dài: "Tòa căn cứ theo luật để xử nhưng liệu sau này, họ có thực hiện đúng lời cam kết hôm nay về việc thống nhất phương án thờ cúng ông bà, cha mẹ để giữ mối dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình?".

Tôi sẽ kháng cáo. Đó là tài sản thuộc về tôi. Tôi chưa bao giờ chối bỏ nghĩa vụ thừa kế trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, ông bà” - bị đơn khẳng định trước khi rảo bước ra khỏi cổng tòa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại