Cho dù chưa dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, cứ mỗi 9 ngày, số ca mắc Covid-19 lại tăng gấp đôi. Ảnh minh họa: Guardian
Dỡ bỏ những hạn chế cuối cùng trong phòng, chống dịch Covid-19 vào ngày 19/7 là canh bạc của chính phủ Anh. Cho dù chưa nới lỏng các hạn chế, số ca mắc vẫn dự kiến vượt mốc 50.000 ca/ngày vào giữa tháng 7. Sau đó, số ca mắc có thể tăng nhanh chóng và vượt mốc đỉnh điểm 81.000 ca hồi mùa đông và chạm mốc 100.000 ca/ngày, thậm chí có thể hơn thế.
Dù vậy, làn sóng Covid-19 thứ 3 sẽ tác động thế nào đối với người dân cũng như hệ thống y tế ở Anh vẫn còn chưa rõ. Các nhà khoa học đưa ra một số kịch bản dựa trên tình hình thực tế hiện nay cùng với các mô hình dự đoán dịch bệnh.
Số ca mắc
Làn sóng Covid-19 thứ 3 đang xảy ra ở Anh. Theo cố vấn trưởng khoa học của chính phủ Anh Patrick Vallance, cứ khoảng 9 ngày, số ca mới sẽ tăng gấp đôi. Nếu tốc độ không chậm lại, dịch Covid-19 ở Anh có thể còn dữ dội hơn cả làn sóng thứ 2 tác động tới nước này hồi mùa đông.
Những ngày đầu tháng 7, Anh ghi nhận số ca mắc Covid-19 trung bình ở mức trên 25.000 ca/ngày. Trong một cuộc họp này 5/7, Thủ tướng Boris Johnson nói rằng số ca mắc có thể lên tới 50.000 ca/ngày trước 19/7 – thời điểm Anh dự kiến dỡ bỏ những hạn chế phòng, chống Covid-19 cuối cùng – và con số này có thể còn cao hơn.
Cho dù chưa nới lỏng các hạn chế, số ca mắc vẫn có thể lên tới 50.000 ca/ngày trong tuần trước khi mở cửa hoàn toàn trở lại và tới 100.000 ca/ngày vào cuối tháng 7 – nhiều hơn số ca Anh từng ghi nhận ở bất cứ thời điểm nào trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
Mô hình dịch bệnh do nhóm cố vấn khoa học khẩn cấp của chính phủ (Sage) dự đoán, số ca mắc sẽ tăng trong cả tháng 7 và đạt đỉnh trong tháng 8. Phần lớn số ca mắc sẽ ở nhóm người trẻ tuổi hơn và chưa được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, những gì xảy ra trong thế giới thực lại chưa rõ ràng vì vẫn còn những điểm không chắc chắn nhưng lại đóng vai trò quan trọng, như tỷ lệ tiêm chủng và ý thức của mỗi cá nhân trong việc thực hiện các biện pháp đề phòng sau ngày 19/7. Dỡ bỏ các hạn chế chắc chắn sẽ khiến dịch bệnh bùng phát mạnh hơn, dù việc đóng cửa các trường học trong kỳ nghỉ hè sẽ phần nào giảm thiểu tác động.
Tác động đối với hệ thống y tế
Sự gia tăng mạnh của các ca mắc sẽ dẫn đến số ca nhập viện tăng theo cấp số nhân - có nghĩa là số ca nhập viện cũng sẽ tăng gấp đôi trong một khoảng thời gian cố định - nhưng sự gia tăng này sẽ nhỏ hơn nhiều so với hồi mùa đông.
Điểm khác biệt chính là ở tiêm chủng, mặc dù khả năng miễn dịch sau khi mắc bệnh cũng đóng một vai trò quan trọng.
Khoảng 2/3 dân số Vương quốc Anh hiện đã được tiêm một mũi vaccine ngừa Covid, 51% đã tiêm đủ 2 mũi. Do chiến dịch tiêm chủng triển khai ban đầu ưu tiên những người lớn tuổi và nhóm có nguy cơ cao, những người phải điều trị tại bệnh viện hiện nay trẻ hơn so với nhóm phải nhập viện trong mùa đông và ít có khả năng tử vong vì Covid-19 hơn.
Giáo sư Neil Ferguson, người điều hành nhóm xây dựng mô hình thuộc trường Đại học Imperial cố vấn cho Sage, nói rằng, tỷ lệ số ca nhập viện có thể giảm hơn 2/3 so với làn sóng hồi mùa đông, và khi có thêm nhiều người được tiêm mũi vaccine thứ 2, đà giảm sẽ còn tiếp tục.
Mô hình do Đại học Warwick xây dựng trong đó đưa ra các giả định về sự lây lan của virus cũng như hiệu quả của chương trình tiêm chủng cho thấy số ca nhập viện ở Anh có thể đạt đỉnh với 1.300 ca/ngày vào cuối tháng 7 và tháng 8. Dù vậy các giả định trong mô hình tính toán cũng chưa phải là điều chắc chắn xảy ra.
Đây sẽ là canh bạc mà chính phủ Anh sẽ thắng. Trong làn sóng Covid-19 hồi mùa đông, số ca nhập viện đạt đỉnh ở mức trên 4.000 ca/ngày và hệ thống y tế có thể sẽ không phải chịu áp lực tương tự như vậy trong mùa hè này.
“Cho dù vaccine có thể khiến số ca tử vong chỉ ở mức thấp, xu hướng nhập viện hiện nay, nếu được ngoại suy từ mức độ lây truyền của virus mà các quốc gia khác đang chứng kiến, nó vẫn có thể gây căng thẳng cho hệ thống y tế Anh”, giáo sư Azra Ghani, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Imperial, cho biết.
Số ca tử vong do Covid-19
Việc tiêm chủng đầy đủ, với 2 mũi tiêm dù là AstraZeneca hay Pfizer, cũng có hiệu quả trên 90% ngăn chặn khả năng tử vong do biến thể Delta. Theo ông Ferguson, số ca tử vong trên số ca mắc hiện nay chỉ bằng 1/10 so với đợt dịch mùa đông với đỉnh điểm là hơn 68.000 ca mắc và 1.800 ca tử vong/ngày. Khoảng 99% số ca tử vong do Covid-19 ở Anh là những người từ 40 tuổi trở lên và đến 19/7, gần như mọi người trong nhóm tuổi này đều đã được đề xuất tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19.
Khi chương trình tiêm chủng được thực hiện ở những nhóm tuổi từ 18 trở lên, tác động của nó sẽ là ngăn chặn lây nhiễm virus hơn là ngăn chặn khả năng tử vong ở những người được tiêm. Do những người trẻ tiếp xúc nhiều hơn, nên họ có xu hướng lây lan virus cao hơn so với nhóm người lớn tuổi. Nhưng nếu càng có nhiều ca mắc Covid-19 ở thanh niên và học sinh thì khả năng virus tác động tới những người chưa được tiêm hay những người có phản ứng miễn dịch kém với vaccine cũng cao hơn.
Vaccine và miễn dịch cộng đồng
Tới giữa tháng 9, tất cả người trưởng thành cần phải được tiêm cả 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, nhưng khi chương trình tiêm chủng bắt đầu, các ca mắc bệnh vẫn tiếp tục lây lan và tăng cường khả năng miễn dịch của dân số hơn nữa. Mức độ miễn dịch tăng lên sẽ làm chậm sự lây lan của virus, nhưng để làm cho dịch có thể kết thúc, nước Anh cần phải đạt đến ngưỡng nhất định về miễn dịch cộng đồng.
Bản thân ngưỡng này không rõ ràng và thay đổi tùy thuộc vào đối tượng lây lan virus. Tiến sĩ Susan Hopkins của tại trường Y tế Cộng đồng ở Anh lấy ví dụ, nếu số R (sinh sản) của biến thể Delta là 7, thì cần phải có ít nhất 85% dân số đã được tiêm vaccine hoặc đã mắc bệnh mới có thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ước tính, hơn 85% người trưởng thành ở Anh đã có kháng thể, nhưng việc có kháng thể không có nghĩa là có thể ngăn mọi người bị nhiễm và truyền virus. Trong khi đó, số người trưởng thành chỉ chiếm 80% dân số Anh. Ngưỡng [miễn dịch cộng đồng] chỉ có thể đạt được khi mọi người đều có khả năng miễn dịch tốt, có thể là nhờ các mũi vaccine hoặc do đã từng mắc bệnh.
Các biến thể mới
Ngày càng nhiều người mắc Covid-19 có nghĩa là có nguy cơ cao về các biến thể mới. Kế hoạch nới lỏng phong tỏa của Anh khiến dịch bệnh có thể bùng phát ra trong những tuần tới và kéo theo đó là nguy cơ thực sự về các biến thể mới.
Biến thể Delta nguy hiểm hơn chủ yếu vì nó rất dễ lây truyền, dù biến thể này cũng có khả năng kháng vaccine cao hơn một chút. Rủi ro trong những tháng tới là một biến thể mới xuất hiện có khả năng kháng vaccine cao hơn. Nếu điều đó xảy ra, một chương trình [tiêm chủng] tăng cường vào mùa thu, đang được lên kế hoạch cho những người 50 tuổi trở lên, có thể đủ để kiểm soát dịch bệnh.
Tuy nhiên, về lâu dài, các loại vaccine dự kiến sẽ cần “cập nhật” để có thể ngăn ngừa được các biến thể phổ biến nhất đang lưu hành.
“Chỉ với hơn 50% dân số được tiêm chủng đầy đủ, bằng cách để virus lây lan trong dân số, chúng ta đang tạo điều kiện hoàn hảo cho các đột biến khiến virus có thể “né tránh” được vaccine. Chiến lược này có thể không chỉ rủi ro cho nước Anh mà còn có thể khiến cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch bị thụt lùi”, ông Ghani nói.
Khôi phục các biện pháp hạn chế
Trừ khi một biến thể mới, có vấn đề hơn xuất hiện, nguy cơ làn sóng tiếp theo áp đảo hệ thống y tế vẫn là một trường hợp xấu nhất khó xảy ra đối với những người lập mô hình dịch bệnh của Sage. Tuy nhiên, điều đó vẫn hoàn toàn có thể xảy ra: các tình huống xấu nhất trước đây trong đại dịch đã trở nên lạc quan.
Dù nhấn mạnh sự cần thiết của việc dỡ bỏ các hạn chế là không thể đảo ngược, Thủ tướng Boris Johnson ngày 5/7 đã không loại trừ việc khôi phục các hạn chế nếu cần thiết.
“Nếu có những điều thực sự khủng khiếp phát sinh, chúng tôi sẽ phải thực hiện bất cứ biện pháp nào cần thiết để bảo vệ công chúng,” ông Johnson nói./.