Kiểm tiền bảng Anh tại quầy giao dịch tiền tệ ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Phiên giao dịch ngày 5/9 chứng kiến đồng bảng Anh rơi xuống mức thấp khi 1 bảng Anh đổi được 1,1444 USD, sau khi giảm khoảng 8% trong 3 tháng qua và chỉ cao hơn một chút so với mức thấp nhất khi xảy ra cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 năm 2020. Đây là lần đầu tiên đồng bảng Anh giao dịch ở mức yếu như vậy trong một thời gian dài kể từ giữa những năm 1980.
Theo dữ liệu của Refinitiv, lợi suất trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm cũng tăng 0,08% vào ngày 5/9, lên mức 3% lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Shreyas Gopal, nhà chiến lược tiền tệ tại Deutsche Bank, nhận định rằng các thông báo chính sách trong vài tuần tới sẽ là chìa khóa quan trọng trong việc xác định rủi ro của các kết quả kinh tế vĩ mô của Anh và đồng bảng Anh. Hiện giới đầu tư tại Anh đang trong trạng thái chờ đợi do lo ngại lạm phát cao sẽ buộc Ngân hàng Trung ương phải tăng lãi suất mạnh - điều có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế dài hạn..
Theo Deutsche Bank, giá tiêu dùng cốt lõi ở Anh, không bao gồm các thành phần thực phẩm và năng lượng đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhóm G10 các nền kinh tế lớn. Ngân hàng Trung ương Anh và nhiều nhà kinh tế học dự báo Anh sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm nay.
Vasileios Gkionakis, nhà phân tích tiền tệ của Citi cho biết, đồng bảng Anh có thể trượt xuống phạm vi từ 1,05 USD đến 1,10 USD, khi lạm phát kéo dài hơn, triển vọng tăng trưởng xấu đi và không có biện pháp để các hộ gia đình có thể vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng.
Các nhà phân tích đang tập trung vào các kế hoạch của tân Thủ tướng Liz Truss nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang đè nặng lên người tiêu dùng và doanh nghiệp khi mùa Đông đến gần. Thách thức mà bà Truss gặp phải là cân bằng giữa nhu cầu bảo vệ nền kinh tế khỏi tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng và những rủi ro mà một sự lạm dụng chi tiêu lớn sẽ làm xấu đi tài khóa.