Theo Ban tổ chức, triển lãm nhằm mục đích cảnh tỉnh người xem về các tác hại do bệnh tật và các thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc và cả sinh hoạt không lành mạnh gây ra đối với cơ thể
Tuy nhiên mẫu vật là cơ thể người thật, dù đã được nhựa hóa, vẫn gây ám ảnh khủng khiếp
Tổng cộng có 11 bộ mẫu vật toàn thân và 126 mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể, trưng bày theo các chủ đề: hệ sinh sản, hệ cơ, hệ xương, hệ hô hấp, tiêu hóa, hệ tuần hoàn, thần kinh…
Ở hệ sinh sản, đáng sợ nhất là mẫu vật toàn thân một phụ nữ mang thai với phần bụng để lộ. Xung quanh là các mẫu vật phôi thai ở các tuổi khác nhau và trẻ sơ sinh dị tật
Toàn bộ mẫu vật thuộc sở hữu của một bảo tàng tại Hàn Quốc, được sản xuất theo công nghệ bảo tồn tử thi Plastination (nhựa hóa) của bác sỹ Gunther von Hagens, một người Đức gốc Ba Lan
Bác sỹ Gunther von Hagens và vợ, Angelina Whalley trong một triển lãm tại Berlin, Đức năm 2015
Bác sỹ Gunther von Hagens đặt nhà máy chế tạo mẫu vật theo công nghệ plastination đầu tiên ở Liêu Ninh, Trung Quốc năm 1999 để bán sản phẩm cho các trường y khoa trên toàn thế giới
Việc đặt nhà máy chế tạo thi thể nhựa hóa ở Trung Quốc cũng từng gây nên những hoài nghi, do Trung Quốc từng bị cáo buộc việc lấy thi thể và nội tạng tử tù
Nhà tổ chức triển lãm ở Đức cho rằng có tới 15.000 người, phần lớn sống ở Đức, muốn được hiến tặng cơ thể họ cho các cuộc triển lãm của bác sỹ Gunther von Hagens
Trong vòng hơn một thập kỷ qua, ngoài Đức, hàng chục cuộc triển lãm đã được tổ chức ở nhiều quốc gia khắp các châu lục trên thế giới
Tại tất cả các nước, triển lãm đều gây ấn tượng mạnh với những mẫu vật được trưng bày
Phần lớn người xem cho rằng họ được nâng cao nhận thức về việc bảo vệ cơ thể mình khi thấy thực tế những mẫu vật phản ánh bệnh tật trong các cơ quan nội tạng
Tuy nhiên cũng có rất nhiều phản bác cho rằng việc trưng bày thi thể người chết như vậy không nhân văn, nhất là đối với văn hóa Á Đông
"Không có tình dục cho người chết", mẫu vật trưng bày gây nên rất nhiều tranh cãi trong triển lãm tương tự được tổ chức ở Singapore
Vaughan Macefield, một giáo sư sinh lý học tại Đại học Western Sydney, Australia nói rằng thật "kinh khủng" khi tới tận năm 2018 rồi mà những mẫu vật không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc như vậy vẫn được trưng bày ra công chúng
Cộng đồng người Hoa ở nhiều nước trên thế giới đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình nhằm phản đối những triển lãm như thế này vì cho rằng chúng vi phạm đạo đức và cả nhân quyền
Nhiều nhà phê bình đã chỉ trích bác sỹ Gunther von Hagens là "bác sỹ chết chóc" vì những thứ khủng khiếp mà ông phơi bày ra công chúng, song những người khác lại cho rằng ông đã làm thay đổi cách nhìn về cái chết
Mỗi mẫu vật toàn thân có thể được bán với giá cao nhất 300.000USD, trong khi những mẫu vật đơn giản hơn có giá từ 20.000-30.000 USD
Chính việc mẫu vật thi thể người được bán công khai trên internet đã gây nên làn sóng tức giận cho cộng đồng theo Đạo Thiên Chúa khắp nơi trên thế giới
Giám mục Tin Lành Ulrich Fischer và tổng giám mục Công giáo Robert Zollitsch của Đức đã lên án hành vi này vì cho rằng: "Phẩm giá con người là bất khả xâm phạm - ngay cả sau khi chết - vì vậy cơ thể con người không nên bị biến thành vật thể trưng bày"
Song những người ủng hộ khoa học lại lập luận rằng các cơ thể đã được hiến tặng bởi vì người chết muốn họ được dùng vào mục đích hữu ích
"Chúng tôi nhận được phản hồi tuyệt vời từ những nơi như lớp học sinh học, hay sinh viên các trường điều dưỡng", Sherry Marshall, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Bảo tàng Khoa học Oklahoma, Mỹ nói, "Ở đây bạn có thể nhìn thấy những thứ sinh động chứ không tẻ nhạt như một cuốn sách giáo khoa"
Được biết, vì lý do "ghê rợn và phản cảm về thị giác", triển lãm "Sự bí ẩn của cơ thể người" đã không được cấp phép trưng bày ở Hà Nội trước khi được tổ chức tại TP.HCM