Sáng ngày 2/9 (Rằm 15 tháng 7 âm lịch), hàng trăm người đổ về chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh, TP. HCM) để thắp hương, tưởng nhớ đến cha mẹ trong ngày Lễ Vu lan báo hiếu.
Lễ Vu lan báo hiếu năm nay có chút đặc biệt hơn mọi năm vì diễn ra trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa thể dứt hoàn toàn. Chính vì thế, nhiều người dân đi chùa cầu an trong dịp này không quên đeo khẩu trang để phòng dịch. Mặc dù vậy, vẫn còn một số người "quên" đeo khẩu trang.
Rất đông người dân đi chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh) ngày Rằm tháng 7 âm lịch - Vu lan báo hiếu và hầu như ai cũng đeo khẩu trang để phòng dịch Covid-19.
Lễ Vu lan báo hiếu là dịp để các con cháu tưởng nhớ đến đấng sinh thành, cầu bình an cho gia đình, tổ tiên, bản thân,… đồng thời cũng đi kèm với nghi thức phóng sinh.
Cũng như mọi năm, ngoài thả chim phóng sinh, có rất nhiều người ra bờ sông Sài Gòn bên hông chùa Diệu Pháp thả cá, cua, ốc, rùa,… để phóng sinh. Việc phóng sinh rất có ý nghĩa nhưng tuỳ theo điều kiện và tâm của mỗi người chứ không bắt buộc.
Sau khi thắp hương cầu an, nghi thức tiếp theo là thả cá, rùa, chim,... để phóng sinh. Cá được mua theo số lượng thùng từ bên ngoài mang vào chùa để ra sông Sài Gòn phóng sinh.
Một thực trạng đáng buồn vẫn xảy ra vào mùa Vu lan hàng năm đó chính là ngay sau khi người dân đi chùa làm lễ phóng sinh, một đội quân "tinh nhuệ" được trang bị thuyền máy, bình điện, vợt vớt cá... đã sẵn sàng ra tay vớt cá.
Bất chấp người dân còn đứng ngay trên bờ và cá vừa mới được thả xuống nước, ngay lập tức một nhóm người ngồi trên thuyền đã dùng điện chính cá cho tê liệt. Chỉ sau tiếng "tè tè" của cây chích điện, hàng trăm con cá lớn nhỏ đều nổi lên mặt nước với tình trạng ngửa bụng. Sau đó chúng được người chích vớt lên thuyền, chờ mang đi bán lại.
Phóng sinh cá là nghi thức tuỳ tâm của mỗi người chứ không bắt buộc.
Mặc dù khiến bất cứ ai nhìn vào cũng phải lắc đầu ngao ngán, thế nhưng, nam thanh niên chích điện vớt cá phóng sinh vẫn thản nhiên như không có chuyện gì, đồng thời, còn chia sẻ ngày rằm này có thể vợt được cả gần trăm ký cá các loại và trung bình cá được chích lên bán lại với giá 50.000 đồng/kg.
Nhiều người đi thả cá chứng kiến cảnh tượng trên chỉ thở dài mà không làm gì được, cũng không buồn nhắc nhở, miễn sao cá được thả xuống nước thì coi như hoàn thành nhiệm vụ phóng sinh. Còn "đội quân" chính điện thì cứ thoải mái, vô tư vớt cá lên bán lại, cứ thế một con cá có thể được thả xuống sông... vài lần.
Biết trước tình cảnh vợt cá phóng sinh, nhiều người dân đã cẩn thận hơn khi mua mấy thùng cá thuê thuyền ra giữa sông để thả với hy vọng chúng được sống, nhưng sau khi họ đi vào thì "đội quân" chích điện vẫn tiếp tục đi thuyền máy ra bắt. Việc phóng sinh phải giúp con vật được sống một cách tự do nhưng với tình trạng vừa phóng sinh đã bị bắt lại, số phận con vật ấy sẽ ra sao thì ai cũng biết.
Người đàn ông này mua nhiều cá to với giá hơn triệu đồng để phóng sinh.
Có người đổ trực tiếp cá ra rổ rồi hoà vào dòng nước cho cá bơi để phóng sinh.
Hoặc cầm xô cá đổ trực tiếp xuống sông.
Khi cá được phóng sinh càng nhiều thì "đội quân" chích cá xuất hiện và vớt sạch trước mặt người thả.
Nam thanh niên này cho biết, cá được vớt lên bán lại với giá khoảng 50.000 đồng/kg tuỳ loại.
"Đội quân" đi dọc bờ sông gần chùa để chích điện vớt cá.
Người phụ nữ vừa thả cá xuống thì "đội quân" chích cá đã nhăm nhe chờ vớt lên.
"Đội quân" chích cá phóng sinh không chỉ có những thanh niên mà còn có phụ nữ và tất cả đều tỏ ra không hề e dè khi người phóng sinh ý kiến.
Quá sợ hãi, người dân phải thuê thuyền ra giữa sông để thả cá phóng sinh với hy vọng chúng không bị chích điện bắt lại.
Tuy nhiên, cá phóng sinh giữa sông cũng không thể thoát khỏi "đội quân" chích điện vớt cá.