Tuy nhiên cách đây chưa đầy một thập niên, sự chênh lệch về trải nghiệm người dùng giữa smartphone bình dân và cao cấp là rất lớn. Một vài thế hệ smartphone giá rẻ đầu tiên đặc biệt tồi do bộ vi xử lý kém hiệu quả và phần mềm cồng kềnh.
Vào năm 2014, Google đã đưa ra hệ điều hành Android One nhằm giải quyết tình trạng đó. Kết quả là một phiên bản Android “sạch”, đi kèm với các nguyên tắc phần cứng để đảm bảo trải nghiệm người dùng ra đời.
Tuy nhiên, tám năm sau, chương trình này của Google dường như đã “đóng băng”. Chuyện gì đã xảy ra với Android One?
Nhìn lại sự phát triển của Android One
Hàng chục thương hiệu giá rẻ đã “mọc” lên khi smartphone ngày càng phổ biến vào thập niên 2010. Thật không may, không phải thương hiệu nào cũng có thể mang tới trải nghiệm người dùng đủ tốt. Những mẫu smartphone giá rẻ đời đầu đa phần có phần cứng chất lượng thấp và nhiều ứng dụng “rác”. Chúng đã làm lu mờ hình ảnh của Android như một hệ điều hành cao cấp.
Android One được Google phát triển để giải quyết vấn đề đó, chủ yếu bằng cách loại bỏ tất cả các tính năng bổ sung không cần thiết được cài vào hệ điều hành Android gốc. Đây là yếu tố đáng chú ý vào thời điểm mọi thương hiệu smartphone cố gắng xây dựng một giao diện đặc trưng, nhưng thường ít thành công.
Như thường lệ, Android One đã trải qua một vài lần sửa đổi. Trong khi mục tiêu ban đầu là giải quyết vấn đề của phân khúc cấp thấp tại các thị trường như Ấn Độ, Google đã mở rộng chương trình sang các thị trường khác như Mỹ và Nhật Bản, với các mẫu tầm trung như Nokia 5.4 và Moto One Action.
Với mục tiêu và tiềm năng như vậy, song hiện trạng của Android One lại rất khác. Bất cứ ai bây giờ truy cập trang web Android One đều sẽ thấy nội dung trên đó đã quá cũ. Trang web vẫn đăng quảng cáo Nokia 5.3, một chiếc điện thoại ra mắt vào năm 2020 và chạy Android 10 – thấp hơn phiên bản hiện tại tới hai thế hệ. Các mẫu khác được liệt kê như Moto One Action của Motorola cũng đã có mặt trên thị trường từ lâu.
Đáng chú ý hơn, Motorola đã ngừng sản xuất mọi thiết bị chạy Android One và hợp nhất thương hiệu One cho dòng điện thoại của riêng mình. Đây không phải trường hợp duy nhất: những công ty như Xiaomi, Sharp, Infinix và Kyocera đã không xuất xưởng thiết bị Android One trong nhiều năm.
Còn đối với HMD Global, cam kết hồi sinh thương hiệu Nokia của công ty tập trung vào phần mềm “sạch”, an toàn và cung cấp các bản cập nhật hệ điều hành nhanh chóng. Song các dòng sản phẩm của công ty cho thấy họ đã không quảng cáo Android One như một tính năng kể từ năm 2020.
Điều gì đã xảy ra?
Không ai biết rõ về Android One khi Google chẳng đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về chương trình. Song một số chuyên gia nhận định rằng việc Google kiểm soát chặt chẽ kiểu dáng công nghiệp cũng như phần mềm của mọi thiết bị chạy Android One là một lý do chính.
Google chỉ cho phép nhà sản xuất tải sẵn năm ứng dụng, bao gồm cả những ứng dụng do họ yêu cầu. Và tất cả các ứng dụng này đều phải "qua cửa" Google.
Mặc dù những hạn chế trên có lý vào năm 2014, nhưng mức độ kiểm soát đó đã trở thành rào cản đối với sự sáng tạo. Khi cả phần cứng và phần mềm giữa điện thoại Moto, Nokia hoặc Xiaomi về cơ bản đều giống nhau, chúng sẽ không thể gây ấn tượng với người tiêu dùng.
Các cam kết cập nhật hệ điều hành cũng đáng bàn. Mặc dù HMD Global đã cố gắng đảm bảo việc cập nhật cho thế hệ sản phẩm thứ nhất và thứ hai, cam kết đó nhanh chóng biến mất. Trên thực tế, rất ít nhà sản xuất thiết bị Android có thể liên tục cung cấp các bản cập nhật phần mềm nhanh chóng – một điều giới quan sát khó xác định rõ lý do.
Một yếu tố khác cần xem xét là việc Google ra mắt dòng điện thoại Pixel giá rẻ của riêng mình. Bắt đầu với Pixel 3a, những chiếc smartphone này đã được thị trường chào đón nhờ sự kết hợp giữa các bản cập nhật nhanh chóng, chất lượng máy ảnh hàng đầu và mức giá hợp lý. Những chiếc Pixel đó đã cạnh tranh trực tiếp với các thiết bị Android One tầm trung, khiến người dùng có rất ít lý do để lựa chọn các sản phẩm thuộc chương trình này.
Tác động không thể phủ nhận
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Android One đã đạt được những mục tiêu đề ra. Nhờ chương trình này, Xiaomi, Realme và nhiều thương hiệu khác đã đầu tư nguồn lực đáng kể vào việc “dọn dẹp”, cải thiện và nâng cao giao diện phần mềm của họ. Các quảng cáo được giảm bớt hoặc bị loại bỏ hoàn toàn. Người dùng có thể thu hẹp hay gỡ bỏ những ứng dụng được cài đặt sẵn, trong khi chất lượng phần cứng tăng vọt. Các công ty thậm chí còn cam kết cập nhật hệ điều hành một các nhanh chóng và trong nhiều năm - điều hiếm có trước đây.
Google dường như cũng đã hướng đến phần cứng thậm chí còn có giá phải chăng hơn với sáng kiến Android Go. Phiên bản Android rút gọn này được thiết kế dành cho smartphone giá thấp đầu tiên của họ: chiếc JioPhone do nhà mạng di động Jio của Ấn Độ phát hành.
Dù bị "khai tử" theo cách không mấy huy hoàng, không thể phủ nhận rằng Android One đã góp phần thiết lập trải nghiệm người dùng trên smartphone bình dân tốt hơn và củng cố con đường cho những thiết bị giá rẻ trong tương lai.